Mỗi độ Tết đến, xuân về, khi khách sạn, nhà hàng dập dìu người vào ra, ăn uống, những chàng trai không nhiều người biết mặt lại lặng lẽ lau nước mắt.
Họ ẩn mình trong góc sâu nhất của cái chốn ăn chơi lãng mạn hào hoa nhất để mong một phút giây được thả bộ với gia đình đón Tết, du xuân.
Nghề bếp bạc lắm
Là một trong những người Việt hiếm hoi được chọn giữ vị trí là Tổng bếp trưởng của khách sạn 5 sao Sheraton Hà Nội (phần lớn khách sạn 5 sao khác, vị trí này thường là của người nước ngoài), đủ thấy tài nghệ nấu ăn của Nguyễn Công Chung đã đạt đến trình độ nào. Nắm vị trí mà rất nhiều người làm bếp phải mơ ước, cũng như những người làm nghề khác phải nể trọng vì mức thu nhập “khủng” nhưng khi chúng tôi hỏi về nghề anh lại nói “nghề bếp bạc lắm!”.
Khi quyết định theo nghề đầu bếp, Nguyễn Văn Trình – Bếp trưởng bếp mở, chuỗi nhà hàng Ao Ta – chuyên làm món đồng quê tại Vincom, Hà Nội cũng phải đối mặt với những phản ứng kịch liệt từ gia đình. Trình bảo: “Mẹ em nấu ăn rất ngon. Có lần ăn món cá kho mẹ nấu ngon quá, em vui miệng nói: “Sau này con cũng đi học làm đầu bếp”. Cũng từ đó, hôm nào có dịp em trổ tài nấu ăn. Vậy nhưng, món em nấu có ngon đến mấy cũng bị chê hoặc không có ai khen ngon vì sợ em sẽ theo nghề của… đàn bà”.
“Khi em nói sẽ học nghề đầu bếp, không khí gia đình cực kỳ nặng nề vì ai cũng phản đối, có người bảo: “Đàn ông lo nhà, đàn bà lo bếp”, mày theo làm bếp là nghề đàn bà”. Bố thì nói: “Biết ngay mà. Ngày còn nhỏ, thấy mẹ nấu bếp, mày cứ lăng xăng vào, đàn ông làm bếp thì hay ho gì”… Thậm chí có người còn nói em “tám vía”, nghe cũng ngậm ngùi lắm”. Nhưng bất chấp sự cấm cản của gia đình, rời ghế phổ thông, Trình khoác ba lô vào miền Nam với ý nghĩ đi thật xa để không phải nghe ai góp ý, để được làm và sống theo ý của riêng mình.
“Nam làm bếp chẳng mấy ai được vào nghề êm ả. Hầu hết đều bị người nhà phản đối, bạn bè chê bai. Ngày tôi vào nghề cũng vậy, rất nhiều người nói đàn ông, con trai ai lại chọn nghề nấu ăn, rằng đó là công việc của phụ nữ…”.
Nguyễn Công Chung (Tổng bếp trưởng Khách sạn Sheraton Hà Nội)
Cơ cực để thành danh!
Để có được vị trí Tổng bếp trưởng của khách sạn 5 sao như ngày hôm nay, Nguyễn Công Chung đã phải kinh qua làm việc ở nhiều nơi. Anh mất 8 năm làm tại khách sạn 5 sao Sofitel Metropole, sau đó sang khách sạn Sheraton với gần 10 năm phụ trách một bếp tiệc, làm Phó Tổng bếp trưởng cho các đời Tổng bếp trưởng người nước ngoài.
“Lúc đi học đã bắt đầu làm thêm, quản lý một nhà hàng, công việc cuốn rất nhiều thời gian, ngày nào cũng kéo dài từ 8h sáng cho đến 11 giờ đêm mới về nhà. Sáng đi học, chiều và tối đi làm thêm, kéo dài suốt 5 năm như vậy. Khi có gia đình, tôi không làm hai nơi nữa, ở vị trí quản lý cũng cần chú tâm hơn, thời gian dành cho gia đình theo đó cũng ít đi. Ngày nào cũng ở khách sạn 12 tiếng, cả đi đường thì rời gia đình từ 13 – 14 tiếng/ngày nên đôi khi cũng bị vợ than trách”, anh Chung chia sẻ.
Còn với Trình, theo nghề đầu bếp cũng phải hy sinh niềm vui của thời trai trẻ. Trình theo nghề bếp khi mới 18 tuổi. Đầu tiên, chỉ làm phụ bếp của Nhà hàng Hoa Viên ở Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh với những chuỗi ngày cơ cực. “Hai năm đầu làm bếp em chỉ toàn làm việc vặt, bị sai chóng mặt, chạy mỏi nhừ chân, lúc thì nhặt rau, nhặt hành, lúc rửa cái xoong, cái chảo, bưng bê đồ nặng… Bị sai đến mức cảm giác mình bị biến thành con rối trong bếp nên có đôi lúc thấy oải, muốn bỏ nghề”. May mà sau những giây phút băn khoăn thoảng qua đấy, khao khát làm nghề đầu bếp vẫn trỗi dậy để Trình bước tiếp.
Sau hai năm được đứng chảo (nấu chính), Trình tiếp tục làm thêm một năm nữa tại TP Hồ Chí Minh. Thấy mình đã “cứng cáp” Trình ra Hà Nội xin việc ở những nhà hàng lớn. Thi nấu ăn món đều đạt nhưng không có bằng nên không nơi nào nhận, Trình quyết định vừa đi làm, vừa đi học tại Trường trung cấp Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, Trình thi vào vị bếp trưởng của nhiều nhà hàng lớn và đã thành công như: Nhà hàng Red Sun, nhà hàng Seun Garden; nhà hàng Aquaria… Sau đó, Trình được mời về làm bếp trưởng cho nhà hàng chuỗi Ao Ta – chuyên làm món ăn đồng quê.
Tủi thân khi Tết đến
“Nhiều lúc thấy tủi thân về nghề, ngày lễ, Tết người ta được đi chơi, đi thưởng thức nhưng nghề đầu bếp thì không phải đi đâu mà là đang ở trong bếp. Vào những ngày lễ, Tết, khách sạn lung linh hơn vì được trang trí rất đẹp để đón khách. Không mấy ai biết rằng phía sau bức tường lung linh ấy là những đầu bếp như chúng tôi đang phải vật lộn với lửa, với khói, với đủ thứ mùi vị”, anh Chung ngậm ngùi.
Anh Chung cho hay, 20 năm làm đầu bếp, anh chưa có ngày nghỉ nào vào dịp lễ, Tết vì là người chịu trách nhiệm chính. Thậm chí, có năm qua giao thừa anh mới về nhà, tiệc đã tàn, trời đã trở về sáng, con cũng ngủ rồi.
Trình cũng thừa nhận rằng: “Đúng là cứ vào dịp Tết đến những người ăn lương làm bếp lại phải lặng lẽ hít khói, nhuốm mùi bếp khi người làm nghề khác đang được hưởng thụ. Nên vào những ngày này đa cảm xúc lắm, buồn nhiều, tủi nhiều nhưng cũng có chút vui riêng khi nhìn người khác ăn uống ngon lành những món do mình nấu”.
Theo GĐ&XH