Việc ăn cơm nguội hấp lại là thói quen của nhiều gia đình. Tuy nhiên thời gian gần đây, thông tin ăn cơm nguội hấp lại sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày khiến nhiều bà mẹ thêm hoang mang lo lắng.
Để giải đáp về vấn đề này, trước đó TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện y học Ứng dụng cho rằng đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào bị ung thư dạ dày vì ăn cơm nguội hâm nóng. Đồng thời cũng không có cơ sở khoa học nào chứng minh điều này.
Tuy nhiên, cơm nguội dù được bảo quản đúng cách và an toàn khi được hâm nóng lại chắc chắn không thể đảm bảo giá trị dinh dưỡng bằng cơm nấu mới.
Việc ăn cơm nguội hay hâm nóng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bảo quản cơm trước khi được hâm nóng không đúng cách dẫn đến việc cơm đã bị hỏng trước khi hâm, người dùng có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm.
Điều đáng lo sợ là mối nguy từ thức ăn thừa. Nếu thường xuyên ăn thức ăn thừa mà bảo quản không đúng cách, dẫn tới vi khuẩn/nấm mốc phát triển và sinh ra chất độc, các chất độc này có thể gây ngộ độc cấp hoặc tích tụ trong cơ thể gây ảnh hưởng các cơ quan chức năng khác.
Vì vậy, để an toàn và đảm bảo dinh dưỡng cho sức khỏe mọi người chỉ nên nấu lượng cơm và thức ăn vừa đủ cho gia đình trong mỗi bữa ăn để vừa đảm bảo dinh dưỡng, ngon miệng vừa tiết kiệm.
Cách bảo quản cơm nguội an toàn
Nếu trong trường hợp còn thừa cơm sau bữa ăn, cần chú ý những điểm sau để tránh tối đa các nguy cơ phát triển vi khuẩn có hại trong cơm nguội:
– Cơm nóng ăn không hết, bảo quản nóng trên 60 °C, hoặc giữ lạnh dưới 4 °C càng sớm càng tốt vì vi khuẩn phát triển nhanh chóng từ 4-60 °C.
– Cơm bảo quản trong tủ lạnh không nên để quá 24 giờ, không nên hâm cơm lại quá 2 lần để đảm bảo chất dinh dưỡng có trong cơm.
– Bảo quản trong tủ lạnh cần bọc thực phẩm thừa bằng màng bọc thực phẩm (hoặc đựng trong các hộp có nắp đậy kín).
– Hâm nóng thức ăn đến nhiệt độ an toàn (ít nhất 75 °C).