“Siêu đầu bếp” Võ Quốc: Hãy quân tử với đam mê, cuộc đời sẽ quân tử với bạn

Câu chuyện của đầu bếp Võ Quốc có thể khiến bạn thêm tin vào sức mạnh của giấc mơ và niềm đam mê, những thứ giúp bạn dù có chọn con đường khó khăn hơn, nhưng vẫn sẽ kiên định để cố gắng hết sức và cứ thế tiến về phía trước.

Có lần, mẹ của Võ Quốc bị bệnh, bố anh loay hoay trong bếp cả buổi để nấu cháo cho vợ ăn. Thế nhưng kết quả là nồi cháo bị… khét. Sau lần đó mẹ anh quyết định dạy cho các cậu con trai của mình nấu ăn, bà bảo: để lỡ sau này vợ các con có ốm thì cũng biết đường mà chăm sóc. Chính những điều căn bản do mẹ truyền dạy ngày đó đã khơi gợi trong Võ Quốc một niềm đam mê về ẩm thực, và rồi theo anh cho đến ngày chạm đến đỉnh cao của sự nghiệp.

>>> Bạn nên xem thêm: Lời nhắn gửi đến các bạn đầu bếp trẻ!

Là con trai út trong một gia đình có truyền thống hiếu học, ngay từ nhỏ Võ Quốc đã được bố mẹ hướng theo con đường học vấn. Lần lượt các anh chị đều đỗ đạt vào trường đại học, có sự nghiệp ổn định càng khiến áp lực trên vai cậu con trai út thêm nặng nề.

Ba lần thi vào trường kinh tế theo nguyện vọng của gia đình, là ba lần Võ Quốc thất bại trước ngưỡng cửa đại học. Miệt mài với chuỗi ngày ôn thi ở Sài Gòn nhưng bản thân anh hiểu mình chỉđang học vì gia đình chứ không phải cho bản thân. Trong lúc còn mơ hồ với các ngã rẽ của cuộcđời, anh may mắn gặp được mẹ nuôi là đầu bếp nổi tiếng Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, chính cô đã pháthiện ra khả năng nấu nướng và khuyên Võ Quốc nên suy nghĩ nghiêm túc về việc theo nghề bếp.

Vốn là người thích tự do và khám phá những điều mới lạ, Võ Quốc đến với ẩm thực như gặp một người bạn thú vị mà mỗi ngày đều cho anh một trải nghiệm mới. Anh tâm sự: “Mỗi ngày ẩm thực lại đem đến cho chúng ta những điều mới mẻ. Mỗi món ăn lại mang trong mình một nét văn hoá riêng, của từng vùng miền hay từng quốc gia trên thế giới. Làm bếp không chỉ đơn thuần là tạo ra món ăn mà còn thực sự là một nghệ thuật”.

>>> Xem thêm: 4 Đầu bếp Việt lừng danh thế giới

Thế nhưng vào thời điểm bấy giờ ở Việt Nam nghề bếp không được đánh giá cao, định kiến bếp núc là việc của phụ nữ càng khiến ý định của Võ Quốc trở nên khó khăn. Chị hai là người duy nhất ủng và giấu gia đình cho anh đi học nghề. Cơ hội đến với chàng học viên trẻ, năm 2001 Võ Quốc được trường cử đi tham dự cuộc thi nghề châu Á tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Với tư duy sáng tạo món cơm chiên của chàng đầu bếp trẻ tuổi đã thuyết phục ban giam khảo giúp anh vượt qua 50 thí sinh đến từ 13 quốc gia châu Á để giành giải vàng của cuộc thi.

Thông tin Võ Quốc đạt giải cao trong cuộc thi được báo chí đưa đến đông đảo độc giả, khiến chuyện anh lén đi học bếp bị gia đình phát hiện. Chàng đầu bếp trẻ chưa kịp vui giải thưởng lớn đã bị gọi về chất vấn và lãnh trọn một trận đòn nhớ đời.

Gia đình cấm anh theo nghề bếp. Đến bây giờ khi nhìn lại tất cả những điều đã xảy ra, Võ Quốc tâm sự: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy buồn phiền vì những cấm cản của gia đình. Bởi có thương mới lo, mới sợ tôi chọn sai đường, rồi sau này phải khổ. Thế nhưng từ khi chọn nghề bếp tôi đã tự nhủ dù sau này có phải đi rửa chén, giao báo thì vẫn chấp nhận. Bản thân mình phải quân tử với lựa chọn của mình”.

>>> Xem thêm: APEC, chuyện bây giờ mới tiết lộ: 6 tháng cho một bữa tiệc

Cùng thời điểm Võ Quốc tốt nghiệp nghề bếp thì anh cũng tốt nghiệp ngành marketing hệ tại chức. Gia đình xin cho anh vào làm việc trong một ngân hàng lớn ở Sài Gòn. Thế như công việc trong văn phòng gò bó khiến anh ngày một chán nản. Không được sáng tạo, không được thoả thích khám phá những miền văn hoá mới, Võ Quốc cảm thấy mình không còn là mình.

“Má tôi nói rằng chỉ mình mới hiểu bản thân muốn gì. Thế nên tôi quyết định xin nghỉ việc ở ngân hàng để đi đâu đó tìm câu trả lời cho mình, bởi thật sự trong đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ đến bếp” – Võ Quốc chia sẻ.

May mắn thời điểm đó Võ Quốc được sự ủng hộ của bạn bè, nên anh đã bắt đầu tiếp cận với công việc Food stylist, biên tập sách nấu ăn và tạp chí ẩm thực. Anh bảo một món ăn có thể được ăn bằng miệng, bằng mắt, bằng tai, nếu như mình không có duyên đứng bếp tạo ra các món ăn thì sẽ đi cùng với ẩm thực trên một con đường khác.

Một năm sau, Võ Quốc thành lập công ty Món Ngon Việt Nam, chính thức đi cùng ẩm thực trên con đường hoàn toàn mới.

Mắt anh nhoè đi khi nhắc đến mẹ. Mẹ chính là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với cuộc đời và suy nghĩ của Võ Quốc. Những món ăn dân dã của mẹ ngày xưa đã truyền một cảm hứng bất tận cho anh trên hành trình ẩm thực. Thế nhưng bà đã không thể kịp chứng kiến ngày cậu con trai út trưởng thành.

Cũng chính vì thế trong số ra đầu tiên của tạp chí Món Ngon Việt Nam, Võ Quốc đã dành riêng một bài viết về mẹ. Chị hai kể: “Quốc đem cuốn tạp chí về cúng cho má, nhìn thấy cuốn tạp chí trên bàn thờ, ba tôi hỏi cái này ở đâu ra. Rồi ba mở ra đọc bài mà Quốc viết về má. Bài có tựa đề là: Ngọn lang luộc mẹ tôi nuôi 8 chị em thành đạt nên người. Ba mừng nhưng không nói ra, cũng không khoe với hàng xóm. Ông đem về quê ở Quảng Nam, kể với họ hàng rằng thằng Quốc nó viết về má nó”.

Dù không ai nói ra nhưng gia đình đã dần thừa nhận và tự hào về những thành công mà Võ Quốc đã nỗ lực đạt được trên con đường mà anh đã kiên định lựa chọn.

Công việc làm tạp chí giúp Võ Quốc có nhiều cơ hội tiếp xúc với các đối tác nước ngoài. Năm 2007 anh có cơ hội tham gia một hội nghị của Yahoo tổ chức tại Singapore với vai trò đầu bếp giới thiệu các món ăn Việt. Đã nhiều năm không đứng bếp, thế nhưng lần “tái xuất” này của Võ Quốc cùng với món bún bò Huế đã thuyết phục được cố thủ tướng Singapore – Lý Quang Diệu. Ngài thủ tướng đã rất ấn tượng với tài nghệ của chàng đầu bếp đến từ Việt Nam, thế là sau đó ông đã nhiều lần mời Võ Quốc sang Singapore để nấu cho các buổi tiệc chiêu đãi khách quý của ông.

Câu chuyện một đầu bếp Việt Nam được mời sang Singapore nấu cho gia đình của thủ tướng đã được rất nhiều người biết đến. Chính phủ Việt Nam đã ngõ ý mời Võ Quốc đứng bếp cho những buổi tiệc chiêu đãi chính khách quan trọng. Cũng từ lúc đó Võ Quốc chính thức trở lại với con đường nấu nướng.

“Tôi nghĩ lần này ‘Tổ đãi’ mình lần thứ 2, dù có né đi đâu thì cuối cùng cũng ở lại với con đường này. Chính vì thế tôi quyết định trở lại với bếp, nơi mà tôi tìm thấy được chính mình” – Võ Quốc chia sẻ.

Trên hành trình của tuổi trẻ không thể nào tránh khỏi những va vấp, thử thách, và có cả những lúcchúng ta cảm thấy thực sợ cô độc trên con đường của mình.

Nhưng nếu ngày đó không có những thất bại của bản thân hay cấm cản của gia đình, thì biết đâu hôm nay Võ Quốc chỉ là anh bán hủ tiếu ở vỉa hè chẳng ai biết đến. Thất bại có thể đẩy người ta xuống vực thẳm, nhưng cũng có thể khiến người ta mạnh mẽ hơn, điều quan trọng khi đã chọn con đường của riêng mình thì đừng từ bỏ, và bạn cứ thế bám vào ước mơ, bám vào những điều mình thích và mình tin là đúng – để cố gắng hết sức và không ngừng tiến tới.

Theo Trí Thức Trẻ

Subscribe
Notify of
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Hãy đóng góp ý kiến của bạn nhé !x
()
x