Typhoid Mary từng được coi là “người phụ nữ nguy hiểm nhất ở New York”. Cô được coi là “ổ dịch sống” vì đã lây nhiễm bệnh thương hàn cho 122 người, gây ra nhiều cái chết nhưng cô lại hoàn toàn khỏe mạnh.
Nữ đầu bếp reo giắc mầm bệnh cho 7 gia đình
Mary Mallon sinh ngày 23/10/1869 tại Cookstown, County Tyrone, Bắc Ireland. Giống như rất nhiều người ở Ireland sau nạn đói, Mary đã di cư sang Hoa Kỳ vào năm 1884. Khi đến New York, Mary bắt đầu làm người giúp việc, với tài nghệ nấu ăn, cô sớm được giao việc phụ trách nấu nướng cho gia đình và rất được lòng nhà chủ.
Tuy nhiên nữ đầu bếp lại liên tục phải chuyển chỗ làm. Từ năm 1900 đến năm 1907, Mary đã làm công việc nấu nướng cho 7 gia đình. Cô đã từng làm việc tại Mamaroneck, trong vòng 2 tuần làm việc, tất cả mọi người đều bị sốt thương hàn. Sau đó, Mary chuyển đến Manhattan và vẫn tiếp tục đảm nhận việc nấu ăn cho một gia đình. Nhưng chẳng lâu sau, các thành viên đều bị sốt và tiêu chảy, người chủ đã qua đời.
Mary lại tiếp tục tìm việc ở một gia đình luật sư và có 7 người trong số 8 thành viên gia đình bị bệnh. Sau đó cô chuyển tới một gia đình khác làm việc nhưng chẳng lâu sau 10/11 thành viên trong gia đình chủ nhà bị sốt thương hàn. Mary đã giúp chăm sóc những người bệnh nhưng không ai phát hiện ra vấn đề ở đâu. Mọi sự đen đủi vẫn chưa chấm dứt khi Mary tiếp tục làm việc cho 3 gia đình nữa và tình trạng trên cũng lại tiếp diễn.
Bí ấn được hé lộ từ món kem
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi kể từ khi một nhân viên ngân hàng ở New York, Charles Henry Warren thuê Mary làm đầu bếp cho gia đình trong kỳ nghỉ hè ở Oyster Bay, Long Island. Khi Mary tới một thời gian ngắn, con gái của Warren bị sốt thương hàn. Sau đó, vợ ông và hai người giúp việc cũng bị ốm, một người con gái khác của Warren và người làm vườn cũng mắc bệnh. Có tới 6 người trong gia đình 10 người mắc bệnh thương hàn khiến cả gia đình ông Warren rất sốc.
Chủ sở hữu của ngôi nhà nơi gia đình ông Warren đã thuê George Soper, một kỹ sư có kinh nghiệm về dịch bệnh thương hàn để tìm hiểu nguyên nhân.
Soper đã điều tra hệ thống cấp nước và tìm hiểu về các món ăn hải sản được phục vụ trong bữa tối nhưng không tìm ra được vấn đề nằm ở đâu. Lúc này, anh bắt đầu nghĩ tới việc người đầu bếp Mary có thể là nguồn gốc của sự bùng phát. Tuy nhiên, thức ăn được nấu ở nhiệt độ cao sẽ giết chết vi khuẩn nên khả năng này cũng khó xảy ra. Soper rất nản lòng khi không thể tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào. Cuối cùng, anh đã chuyển hướng sang món tráng miệng là kem với đào do Mary chuẩn bị.
Lúc này, Soper mới bàng hoàng nhận ra rằng một người trông có vẻ khỏe mạnh lại có thể là một “ổ dịch” thương hàn – điều mà chưa từng một ai phát hiện ra. Để chắc chắn kết luận của mình là đúng và ngăn ngừa sự lây lan, anh đã cố gắng tìm Mary.
Tuy nhiên việc tìm kiếm rất khó khăn do sau khi gia đình nhà chủ gặp “họa” bất ngờ, Mary đã nghỉ việc. Cô cũng đổi chủ liên tục và không để lại địa chỉ bao giờ. Mãi cho tới khi một phụ nữ trẻ sống trong một gia đình giàu có qua đời vì thương hàn, Soper mới tìm được Mary.
Soper đã cố gắng thuyết phục Mary cho phép lấy mẫu phân và nước tiểu của cô để xét nghiệm nhưng cô đe dọa Soper khiến anh phải bỏ chạy. Sau đó, Soper phải nhờ một bác sĩ tới nhưng cô vẫn không chấp nhận. Với sự giúp đỡ của 5 cảnh sát, Mary cuối cùng bị buộc đưa vào viện. Tuy nhiên cô liên tục khẳng định mình bị bức hại và bản thân không làm điều gì xấu xa.
Thói quen nhỏ của nữ đầu bếp vô tình gây bệnh tật cho hàng chục người
Các mẫu thử lấy từ cơ thể Mary được kiểm tra phát hiện có trực khuẩn thương hàn. Trong cuộc thẩm vấn, Mary tiết lộ rằng cô không có thói quen rửa tay trước khi nấu ăn vì cô nghĩ nó không quan trọng.
Sốt thương hàn là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi salmonella typhi, một mầm bệnh nghiêm trọng ở người. Nó nhân lên trong ruột non và được bài tiết qua phân. Vi khuẩn trong phân có thể xâm nhập vào thực phẩm (từ tay của người đầu bếp) hoặc nước (phân nhiễm vào nguồn nước ngầm). Người mắc bệnh sẽ bị sốt đột ngột và kéo dài, đau đầu dữ dội, buồn nôn, đau bụng, ho dữ dội, khàn giọng, tiêu chảy hoặc táo bón và phát ban da.
Việc Mary không rửa tay sau khi đi tắm, đi vệ sinh (hoặc không rửa tay đủ sạch) có thể dẫn đến vi khuẩn salmonella typhi từ tay đi vào vào thức ăn cô chuẩn bị. Mặc dù nhiệt độ cao có thể giết chết vi khuẩn nhưng không phải tất cả món ăn Mary nấu đều nấu chín. Ví dụ như salad, nước sốt hay món kem tráng miệng đều không cần nhiệt. Thậm chí việc Mary xử lý trái cây cũng có thể khiến vi khuẩn lây sang. Một người giúp việc vì ăn một quả táo mà Mary để trên bàn cũng đã bị nhiễm bệnh.
May mắn của Mary là dù cô có mầm bệnh thương hàn nhưng vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên đây cũng là điều bất hạnh của cô vì suốt cuộc đời, cô vẫn không hiểu tại sao mình là nguồn lây bệnh.
26 năm bị cô lập ở bệnh viện sau khi vô tình hại 122 người mắc bệnh, 5 người tử vong
Mary sau đó đã bị cô lập tại một phòng khám nằm trên đảo North Brother suốt 3 năm. Cô sống trong một căn nhà gỗ cùng một con chó. Sau đó, cô được thả với lời thề sẽ không bao giờ làm đầu bếp nữa. Ban đầu, Mary giữ đúng lời hứa chỉ làm công việc giặt là. Tuy nhiên vì lương trả thấp hơn so với việc nấu nướng nên cô đã tìm cách thay đổi tên họ và quay trở lại công việc nấu ăn.
Mary đã cố gắng làm việc trong suốt 5 năm cho đến khi bị phát hiện đã lừa dối khi đến nấu ăn ở một bệnh viện phụ sản. Tại đây cô khiến 25 người bị lây bệnh và 2 người chết. Mary lại lần nữa bị bắt giam.
Lần giam giữ thứ hai kéo dài suốt 23 năm cho đến khi Mary qua đời. Trên đảo North Brother, cô đã làm việc như một y tá, trách nhiệm chính là cùng rửa ống nghiệm với những bệnh nhân lao. Bên cạnh đó, Mary vẫn thường xuyên được giới truyền thông tìm đến phỏng vấn. Họ cũng được cảnh báo rằng, đừng nhận từ Mary bất cứ thứ gì dù chỉ là một cốc nước. Năm 1938, Mary Mallon chết vì bệnh viêm phổi.
Bởi vì người phụ nữ này liên tục thay đổi danh tính và chuyển việc liên tục nên người ta không thể thống kê chính xác các nạn nhân mắc bệnh do Mary gây ra. Nhiều tài liệu khẳng định cô đã truyền bệnh cho 50 người. Còn theo ghi chép của Soper, con số phải lên tới 122 người, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Tuy vậy, 26 năm giam cầm trên đảo North Brother là chuỗi ngày đau khổ của Mary. Cô bị bỏ rơi, hắt hủi, mang trong mình nhiều thương tổn cả về tinh thần lẫn thể chất (dù cô cũng có trách nhiệm to lớn trong việc lây truyền bệnh).
Ngoài ra, việc Mary bị cách ly đến 26 năm mà không được giảm nhẹ là vì 2 lý do. Thứ nhất, thời đó người ta cho rằng có ít nhất 400 người mang mầm bệnh thương hàn ở New York nhưng không đi xét nghiệm. Và thứ hai, các bác sĩ không chỉ rõ cho Mary những nguy hại của căn bệnh mà chỉ thuyết phục cô cắt bỏ túi mật – một loại phẫu thuật nguy hiểm đến tính mạng mà lại không loại bỏ mầm mống gây bệnh cho những người khác.
Mary không phải là người nguy hiểm nhất, nhưng cô ấy là người được ghi nhớ nhất
Thực tế, Mary không phải là nguy duy nhất mang mầm bệnh thương hàn và gây nguy hiểm cho người khác (ví dụ Tony Labella gây ra năm cái chết). Tuy nhiên cô là trường hợp đầu tiên khiến mọi người phải chú ý tới việc một người trông khỏe mạnh cũng có thể làm “ổ dịch sống”.
Leavitt, người đã viết tiểu sử của Mary cũng nghĩ rằng việc Mary bị lên án dữ dội và được nhắc tới nhiều nhất có thể do xuất thân của cô là một phụ nữ Ailen thuộc tầng lớp lao động ở Mỹ. Việc cô bị ghét bỏ cũng có thể là do cô đã từ chối hợp tác và coi thường lời cảnh báo của cơ quan y tế. Tuy nhiên liệu cô có thật sự là mối đe dọa nguy hiểm hay là nạn nhân của một hệ thống bất công?
Nguồn: http://khampha.vn/suc-khoe/nu-dau-bep-ngay-tho-gieo-rac-mam-benh-cho-122-nguoi-5-nguoi-chet-qua-tung-dia-thuc-an-c11a744713.html