Từ khi học lớp 10, Vũ Hoàng Trinh không ngần ngại nói với ba mẹ: ‘Con sẽ không thi đại học. Con muốn theo nghề bếp’. Hiện cô là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ yêu nghề nấu ăn.
Đại diện Việt Nam tham gia Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 ở thủ đô Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) năm 2017, cô gái 21 tuổi Vũ Hoàng Trinh đã đạt được chứng chỉ nghề xuất sắc, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ yêu nghề nấu ăn.
Có niềm yêu thích đặc biệt với các loại bánh, Hoàng Trinh đã định hướng nghề nghiệp tương lai cho mình ngay từ những ngày mới học lớp 10, và không ngần ngại nói với ba mẹ: “Con sẽ không thi đại học. Con muốn theo nghề bếp!”.
Vũ Hoàng Trinh chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi thường tò mò và tìm tòi về các loại bánh. Khi tôi nói sẽ theo nghề bếp, ba tôi trầm ngâm suy nghĩ một hồi rồi nói: “Con học gì cũng được. Đây là quyết định của con, người thực hiện là con, ba mẹ chỉ có thể ở bên hỗ trợ, động viên con mà thôi”.
Nghe ba nói vậy, tôi chỉ việc thực hiện ước mơ của mình thôi”.
Ngoài tình yêu với bánh, còn lý do gì khiến Trinh không chọn đại học như nhiều bạn trẻ khác không?
– Chị tôi từng học đại học ngành ngân hàng, khi chị ra trường kiếm việc làm rất khó. Cuối cùng, chị đành phải làm trái ngành mình học. Và tôi biết không chỉ riêng chị tôi như vậy. Vì thế, tôi nghĩ mình nên đi theo một hướng khác.
Trinh có bao giờ bị lung lay trước quyết định của mình?
– Trước khi đăng ký học nghề, thỉnh thoảng tôi vẫn băn khoăn tự hỏi không biết mình có quyết định đúng không? Lỡ mình chọn sai thì sao? Sau này, lúc mới vào học, đôi khi tôi cũng cảm thấy mặc cảm, tự ti với bạn bè đang học đại học. Nhưng càng học, tôi càng không còn để ý đến chuyện đó nữa. Các món ăn, các bài học, thầy cô và bạn bè cứ cuốn tôi về phía trước. Học được cái mình thích nên hầu như lúc nào tôi cũng cảm thấy hứng thú. Ngoài ra, chương trình học thực hành xen kẽ với lý thuyết, cùng tiếng Anh chuyên ngành cũng khiến cho việc học rất thú vị. Nhưng học là một chuyện, làm nghề lại là chuyện khác. Khi đi thi tôi mới thực sự “cảm” hết về nghề bếp – cực kỳ áp lực.
Áp lực như thế nào?
– Năm hai, tôi học được nửa học kỳ thì bạn lớp trưởng phổ biến về kỳ thi Tay nghề trẻ, thế là tôi đi thi. Tôi thi ở TP.HCM rồi ra Hà Nội ôn luyện 3 tháng để đi thi vòng khu vực ở Malaysia. Sau đó, thắng giải trở về, tôi lại ra Hà Nội ôn luyện tiếp 5 tháng trước khi qua Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất tham gia Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44.
Lúc mới thi, tôi rất tự tin, thấy mọi chuyện vô cùng dễ dàng. Khi học ở trường hay thi ở Việt Nam, tôi không hề phải mổ cá hay mổ gà. Mọi thứ đều có sẵn.
Ở vòng thi thế giới, tôi thi 4 ngày liên tiếp, mỗi ngày thi 4 tiếng, tự mình sắp xếp tất cả, làm từ đầu đến cuối. Đề thi yêu cầu rất cao, số lượng đĩa cũng nhiều hơn các vòng trước, đĩa nào cũng tỉ mỉ, chi tiết, nhiều nguyên liệu, sai một chi tiết nhỏ là sai hết.
Hay lúc đi thực tập, bếp trưởng giao cho tôi mấy ký hành tây, tôi vừa cắt vừa chảy nước mắt ràn rụa… Mỗi lần khách vào là cả bếp nháo nhào như đánh trận, món mới tính từng phút, và người đứng bếp phải nhớ menu, công thức nấu, trình bày mỗi món đúng kiểu, chuyên nghiệp, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Sau này, khi quay trở lại trường học tiếp, tôi thấy việc học cực kỳ nhẹ nhàng.
Điều gì đã giúp bạn vượt qua những áp lực đó?
– Mỗi lần học được món mới, tôi rất vui và hạnh phúc. Tôi thường ghi chép lại công thức món mới vì nấu ăn đòi hỏi mọi thứ chuẩn xác, và đó như thể một kiểu tích cóp lòng yêu nghề từng ngày. Ngoài đam mê, tôi còn phải rèn cho mình sức chịu đựng, thái độ làm việc chuyên nghiệp, cách ứng xử với đồng nghiệp…
Tôi từng đi làm thêm rất nhiều việc từ phục vụ, bưng bê, rửa rau đến phụ bếp… để xem sức chịu đựng của mình đến đâu, môi trường làm việc ra sao, liệu tôi có thể vượt qua những trở ngại để tiếp tục công việc hay không…
Dự định sắp tới của bạn là gì?
– Tôi sẽ làm việc ở TP.HCM hoặc Đà Nẵng vài năm để gom vốn mở tiệm bánh, tôi đã luôn ước mơ có được một tiệm bánh của riêng mình. Đồng thời, tôi cũng sẽ trau dồi thêm kiến thức, ngoại ngữ và kỹ năng, tìm kiếm những cơ hội học tập, giao lưu tại nước ngoài.
Bạn có lo lắng chuyện kiếm việc làm sau khi ra trường?
– Cơ hội việc làm của tôi khá nhiều. Tôi nghĩ việc làm không thiếu, chỉ là bạn có đủ năng lực để nắm lấy cơ hội hay không thôi. Vì vậy, theo tôi, khi chọn ngành nghề các bạn nên xem xét đam mê của mình là gì, khả năng của mình đến đâu.
Truyền lửa nghề cho đàn em
Phạm Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1997) biết đến Vũ Hoàng Trinh khi vào học nấu ăn được hai tháng. Tuyết theo dõi Trinh qua các vòng thi, từ thành phố đến khu vực châu Á, rồi đại diện Việt Nam thi thế giới.
“Qua quá trình theo dõi chị Trinh, tôi cảm thấy có động lực hơn, yêu nghề hơn, rồi tôi cũng đi thi nhiều nơi. Tôi không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu cuộc thi nữa. Nhỏ lớn gì tôi cũng đi thi hết” – Tuyết nói.
Năm vừa qua, Ánh Tuyết đã đoạt giải nhất cuộc thi The young talent escoffier Vietnam 2017, rồi đại diện Việt Nam qua Hong Kong thi đấu vòng khu vực và giành huy chương đồng.
“Bằng cấp có thể không quan trọng, nhưng năng lực và đam mê cực kỳ quan trọng; không có chúng, bạn sẽ không biết đi về đâu.
Theo Tuổi trẻ.vn