Theo tính toán, cần 1,2 – 2,9 tỷ đồng nếu các bạn muốn kinh doanh nhượng quyền 2 thương hiệu trà sữa nói trên, trong đó chi phí lớn nhất là phí nhượng quyền thương hiệu. Chỉ riêng việc để treo được cái tên DingTea hay TocoToco lên biển hiệu, số tiền bỏ ra lên tới 300 – 500 triệu đồng.
Tuổi đời mới 4 năm, nhưng chỉ riêng cái tên DingTea và TocoToco đã có giá 300 – 500 triệu đồng
Theo một khảo sát mới đây của Q&Me, DingTea và Tocotoco là 2 thương hiệu trà sữa được khách hàng Hà Nội ghé thăm nhiều nhất.
DingTea mới đặt chân vào Việt Nam từ năm 2013, bắt đầu từ một quán trà sữa nhỏ trên phố Lê Đại Hành. Đến nay, thương hiệu này đã có hơn 100 cơ sở, chỉ riêng khu vực Hà Nội có tới 78 cửa hàng DingTea.
Tocotoco cũng có xuất phát điểm từ năm 2013, hiện đang dẫn đầu thị trường về số lượng cửa hàng với 150 điểm bán.
Trà sữa mở ra cơn sốt với các khách hàng trẻ muốn giải trí và trải nghiệm, và cũng mở ra cơn sốt nhượng quyền với những bạn trẻ muốn kinh doanh.
Theo tính toán, cần 1,2 – 2,9 tỷ đồng nếu các bạn muốn kinh doanh nhượng quyền 2 thương hiệu trà sữa nói trên, trong đó cao chi phí lớn nhất là phí nhượng quyền thương hiệu.
Các khoản cần chi đối với việc mở quán nhượng quyền cho từng thương hiệu như sau:
DingTea
– Phí nhượng quyền(*): 20.000 USD (dùng vĩnh viễn cho 1 cửa hàng)
– Phí quản lý thương hiệu: 100 USD/tháng
– Chi phí nguyên liệu (bắt buộc lấy của DingTea): khoảng 20.000 – 30.000 USD/3 tháng
– Chi phí máy móc, thiết bị pha chế: 100 – 200 triệu đồng
– Các khoản chi phí khác như mặt bằng, sửa chữa – thiết kế… : 440 triệu – 1 tỷ đồng.
– Nhân công: 200 – 500 triệu đồng/năm tùy quy mô và khu vực
TocoToco
– Phí nhượng quyền: 160 – 300 triệu đồng/3 năm tùy từng khu vực theo chiến lược hoạt động của TocoToco. Cụ thể:
160 triệu đồng/3 năm cho khu vực tỉnh
200 triệu đồng/3 năm cho TPHCM, Đà Nẵng, Nha trang, Huế, Hội An, Hải Phòng, Cần Thơ
300 triệu đồng/3 năm cho khu vực Hà Nội
TocoToco cho biết hiện họ đang dừng chính sách mở nội thành Hà Nội, và đang linh động cho một vài khu vực vùng ven.
– Phí giám sát tư vấn: 30 triệu đồng/năm
– Chi phí nguyên liệu (bắt buộc lấy của TocoToco): Đơn hàng đầu tiên ở mức 195 triệu đồng (chưa gồm VAT). Các đơn hàng tiếp theo đại lý tự lên tùy tình hình kinh doanh.
– Chi phí máy móc, thiết bị (phải mua của công ty): 130 triệu đồng
– Các khoản chi phí khác và chi phí nhân công tương tự như trên.
Khi thương hiệu có giá
Khi tách bạch các khoản chi, nếu ở Hà Nội, chỉ riêng việc để treo được cái tên DingTea hay TocoToco lên biển hiệu, số tiền bỏ ra lên tới 300 – 450 triệu đồng.
Tính ra tổng thu từ phí nhượng quyền của mỗi chuỗi vào khoảng 35 tỷ đồng (với 78 cửa hàng Ding Tea) và 20 tỷ đồng (với 67 cửa hàng TocoToco) chỉ riêng cho việc treo biển hiệu cửa hàng tại khu vực Hà Nội.
Với TocoToco, dòng tiền này sẽ thu về đều đặn sau mỗi 3 năm.
Đó cũng là cái giá phải trả cho người ngại, hay “lười” làm thương hiệu.
Còn trong trường hợp các bạn trẻ muốn tự xây dựng thương hiệu riêng, bà Đỗ Thị Mỹ Liên – chuyên gia thương hiệu, Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ Havip – cho rằng cần thực hiện nghiêm túc 6 bước sau:
1. Cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, như một báo cáo chính thức cho sự ra đời của nhãn hiệu.
2. Thực hiện chiến lược xúc tiến trên các mặt: xây dựng, bảo vệ, quảng bá và phát triện nhãn hiệu.
3. Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ.
4. Không ngừng nâng cao mức độ nhận biết đến nhãn hiệu trong người tiêu dùng.
5. Tạo sự gắn bó với người tiêu dùng.
6. Không ngừng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
“Vì nhãn hiệu là một tài sản vô hình và có tuổi thọ mãi mãi, nên tất cả các khâu liên quan đến việc thiết kế, đăng ký, sử dụng nhãn hiệu đều rất quan trọng và cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản”, bà Liên cho biết.
Việc làm thương hiệu cần làm nghiêm túc ngay từ việc lựa chọn nhãn hiệu để đăng ký: cần ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ đối với người tiêu dùng; và đáp ứng được yêu cầu của pháp luật sở hữu trí tuệ.
“Khi lựa chọn một nhãn hiệu, doanh nghiệp cần phải xác định được phạm vi sử dụng nhãn hiệu. Thông thường, việc sử dụng nhãn hiệu không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia mà còn mở rộng ra phạm vi quốc tế, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay”.
“Bởi vậy, nhãn hiệu cần được thiết kế đơn giản để có thể dễ nhớ, dễ phát âm, truyền tải được ý nghĩa hoặc thông điệp của doanh nghiệp đến người tiêu dùng, dễ dàng được chấp nhận”, bà Liên khuyến nghị.
Khi đã có nhãn hiệu, làm sao xây dựng được một thương hiệu mạnh? Ông Nguyễn Đình Toàn – Giám đốc cao cấp ngành hàng cafe – Masan Consumer, thuộc Tập đoàn Masan – từng chia sẻ: Hãy bắt đầu ăn, nằm, ngủ… với người tiêu dùng. Hãy hiểu người tiêu dùng là ai?
“Ngày xưa làm ở Unilever, tôi bắt các bạn mỗi tuần bước ra ngoài gặp người tiêu dùng và nói chuyện với họ. Đến nơi nào, người dân thấy tiếp thị cũng đuổi. Nhưng phải đi gặp, nói chuyện mới biết người tiêu dùng muốn gì, cần gì”.
“Nếu chỉ nhìn số liệu từ các báo cáo nghiên cứu thị trường mà nói đây là xu hướng thị trường thì công ty có thể đuổi người marketing đi, bởi chắc chắn kết luận là như nhau cho cùng một số liệu. Một người làm Marketing giỏi phải nhìn vào số liệu sâu, phải đi với người tiêu dùng, sống với họ, ngủ, ăn với họ mớii biết điều gì là quan trọng”, ông Toàn nói.
Khi đã xây dựng thương hiệu thành công, bản thân cái tên thương hiệu, khi có được tình yêu của khách hàng, sẽ có giá rất lớn.
*Các khoản chi phí nhượng quyền, quản lý thương hiệu, chi phí nguyên liệu… được thu thập từ bộ phận Franchise của TocoToco và chủ một cửa hàng franchise của DingTea. Các khoản chi phí khác như mặt bằng, thiết kế, sửa chữa, nhân công… chỉ mang tính ước tính từ trường hợp các cửa hàng nói trên.