Malaysia cấm đầu bếp ngoại: Chủ nhà hàng rối bời

Để giảm sự phụ thuộc vào lao động người nước ngoài và đảm bảo chất lượng món ăn, Bộ trưởng Nhân lực Malaysia M. Kulasegaran hôm 21/6 yêu cầu tất cả các nhà hàng bắt đầu từ năm 2019 chỉ tuyển dụng người địa phương làm đầu bếp.

Thông tin này như một quả bom giáng xuống ngành dịch vụ ăn uống ở Malaysia, khiến các chủ nhà hàng cảm thấy trở tay không kịp. Một khi được thi hành, quyết định sẽ ảnh hưởng đến tất cả, từ người bán hàng ăn ở lề đường đến các quán ăn bình dân hay nhà hàng sang trọng, theo tờ Malay Mail.

Kiếm không ra người

“Chúng tôi muốn người địa phương đảm nhiệm vị trí đầu bếp. Sẽ không có thỏa hiệp… Chúng tôi thông báo để quý vị chuẩn bị cho đến hết ngày 31/12. Nếu đơn vị nào không thực hiện, chúng tôi không thể làm gì hơn” – Bộ trưởng Kulasegaran tuyên bố trên tờ Bernama.

Các chủ nhà hàng lâu nay vốn đã chật vật trong việc kiếm người làm, nay lại càng cảm thấy bế tắc hơn. “Trong điều kiện không có đủ nhân công, chúng tôi vẫn phải cố gắng hoạt động. Nay thì bi đát hơn. Người dân địa phương không thích việc bếp núc, với họ đó là nghề lao động tay chân. Một số bỏ việc chỉ sau vài ngày. Họ thích làm việc trong phòng có máy lạnh” – ông Datuk Ang Say Tee, chủ tịch Hiệp hội bán hàng rong Kuala Lumpur, than thở.

Chủ tịch Hiệp hội các chủ nhà hàng Ấn Độ (Prisma) tại Petaling Jaya, ông P. Muthusamy, cho biết quyết định của chính phủ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người làm trong ngành nhà hàng. Ông hi vọng chính quyền sẽ thảo luận thêm với các chủ nhà hàng trên cả nước trước khi áp dụng một quyết định đầy tranh cãi như vậy.

“Trong những năm qua chúng tôi đã đối mặt với khủng hoảng triền miên của việc thiếu hụt nhân lực. Hơn 500 nhà hàng đã phải đóng cửa do thiếu lao động” – ông P. Muthusamy cho biết. Còn ông Ayub Khan – chủ tịch Hiệp hội các nhà hàng Hồi giáo Presma – xác nhận sự thật là người Malaysia không muốn làm việc trong ngành nhà hàng. “Chúng tôi đã quảng cáo, đề nghị mức lương đến 625 USD nhưng chẳng ai đến. Không dễ để tìm một người địa phương làm việc trong nhà hàng” – ông nói.

Do lương thấp, lao động trong nước không mặn mà nên phần lớn các nhà hàng ở Malaysia hoạt động nhờ nguồn nhân lực từ nước ngoài. Người Indonesia, Bangladesh, Myanmar và Ấn Độ làm đầu bếp, phục vụ bàn và lau chùi, dọn dẹp. Nhà chức trách cho biết có khoảng 1,78 triệu lao động nước ngoài làm việc ở Malaysia, trong đó 71.000 người làm trong ngành nhà hàng.

Quá gấp gáp

Quyết định do bộ trưởng nhân lực Malaysia công bố thật ra xuất phát từ kinh nghiệm của chính quyền bang Penang. Tại Penang, từ năm 2014, người nước ngoài bị cấm làm đầu bếp trong các cửa hàng ăn uống, nhà hàng hay những sạp thực phẩm bên đường để bảo tồn bản sắc của những món ăn truyền thống.

Trước quyết định sẽ được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc, ba hiệp hội đại diện cho khoảng 20.000 chủ nhà hàng ở Malaysia đã trình một bản kiến nghị đến chính quyền và yêu cầu tìm giải pháp cho tình trạng thiếu lao động trong bối cảnh cấm đầu bếp nước ngoài. Các chủ nhà hàng cho biết tình trạng thiếu nhân lực xuất hiện từ năm 2016, khi chính quyền Malaysia tạm thời ngưng cho phép thuê mướn người nước ngoài.

Chủ tịch Liên hội bán hàng rong Malaysia Datuk Lee Teong Chwee cho biết nghề nấu ăn và đào tạo đầu bếp không phải là nghề có thể thực hiện dễ dàng: “Nấu ăn cần người có kinh nghiệm. Một số nhà hàng có những tiêu chuẩn cần phải duy trì, vì vậy không thể cấm tiệt những đầu bếp đẳng cấp thế giới chỉ vì họ là người nước ngoài”.

Hầu hết các chủ nhà hàng đều than rằng thời hạn tháng 1/2019 mà chính quyền đưa ra khiến họ trở tay không kịp, và họ cần ít nhất hai năm để có thể chuẩn bị cho việc tuyển đầu bếp người Malaysia.

Theo TTO

Subscribe
Notify of
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Hãy đóng góp ý kiến của bạn nhé !x
()
x