Tôi “chạm trán” “người hùng” thời thơ ấu trong một cú click chuột vô tình. Ồ, người phụ nữ duyên dáng, nhanh nhẹn, đang đưa ra những lời nhận xét sắc sảo là Triệu Thị Chơi đó sao?
Siêu nhân của thập niên 80
Dường như bà không có tuổi. Tôi nhớ đã “quen” bà lâu lắm rồi, từ thời còn là con oắt con tập tành nấu cơm trên bếp củi bữa chín bữa sống, phải vận sức bằng cả 2 tay mới cầm nổi cái đũa cả to đùng mà xới cơm. Dễ cũng phải 30 năm rồi, cái thời thập niên 80, 90 gì cũng thiếu ở thế kỷ trước. Sách báo chưa bao giờ là ngoại lệ. Mỗi chuyến bôn ba buôn bán vào tận đất Sài thành nhộn nhịp của mạ là mỗi lần đứa trẻ tôi ở cái miền quê nghèo xơ xác thuở nào lại dõi mắt ngóng theo, đếm từng ngày từng giờ. Nhớ mẹ đã đành, mong quà hình như là phần lớn hơn! Chẳng phải lần nào mạ cũng đủ tiền để mua quà và cũng chẳng phải lần nào mạ cũng mua được thứ quà mà tất cả những đứa trẻ quê tôi đều đói: sách. Thuở ấy chẳng biết đã có nhà sách chưa, mà nếu có chắc mạ cũng chẳng đủ tiền vào mua. Mạ thường mua sách ở chợ trời, trên những vỉa hè bụi bặm, đụng chi mua đấy, cuốn còn lành lặn, cuốn đã sờn gáy, cuốn rách mất đôi ba trang. Ấy vậy mà chị em tôi có trong tay cả một “bộ sưu tập hoành tráng” hơn chục cuốn sách cùng một tên tác giả: Triệu Thị Chơi. Sách dạy cắt may mang tên bà. Sách hướng dẫn cắm hoa cũng do bà viết. Sách nấu nướng cũng đề tên bà… Triệu Thị Chơi là ai mà tài thế nhỉ? Đó là thực sự là “người hùng” trong trí óc ngây thơ của lũ trẻ chúng tôi thuở ấy, chắc cũng chẳng khác là mấy so với cách lũ trẻ khôn lanh thời nay bái phục siêu nhân. Không “siêu” sao được khi bà đã giúp chúng chị em tôi “hô biến” những mảnh vải đầu thừa đuôi thẹo mà mạ mua được ở chợ trời thành những tấm áo quý giá cho cả nhà, không “siêu” sao được khi nhờ bà mà chúng tôi biết kho cá, nấu canh, làm bánh với đầy rẫy những “khúc biến tấu bất ngờ” vì chẳng bao giờ đủ nguyên liệu, có khi “sáng tạo táo bạo” đến thay thịt heo xa xỉ bằng xác bánh dầu – thứ phụ phẩm cho không của những lò ép dầu phộng đầy rẫy ở quê tôi thuở ấy…
Bất ngờ “chạm trán” người hùng thân yêu, bao kỷ niệm thời thơ ấu ngọt ngào cứ thi nhau chảy tràn về trong từng thớ thịt. Nhưng “người quen” xưa đang nói gì thế nhỉ? Bà đang bày tỏ sự ngạc nhiên về những loại gia vị lạ lẫm được sử dụng trong vòng sơ tuyển Chiếc Thìa Vàng 2015. Ô hay, một chuyên gia ẩm thực sành sỏi, một nhà giáo ưu tú, một tác giả lão luyện sao lại nên nỗi bất ngờ đến thế ở một vòng thi sơ tuyển?
Lạc giữa rừng gia vị
Chẳng phải riêng gì bà Chơi mà bao cây đa, cây đề trong làng ẩm thực khác: Chiêm Thành Long, Bùi Thị Sương, Lý Sanh, Hồ Thị Hoàng Anh…. – những vị giám khảo của Chiếc Thìa Vàng đều đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác suốt cuộc tìm tòi dài hơi mang tên Hành trình gia vị Việt – chủ đề mùa thi thứ 3 của Chiếc Thìa Vàng. Mỗi chặng dừng chân trên suốt chiều dài dải đất thon thả uốn lượn là mỗi lần bất ngờ. Không bất ngờ sao được trước món thịt nướng thân quen bỗng ngạt ngào hương tiêu thân thuộc nhưng lại rất đỗi lạ lùng vì phảng phất hương sả nhưng không phải từ sả, hương chanh nhưng chẳng phải từ chanh. Ấy là nhờ loại tiêu rừng ở Quảng Nam được gọi là tiêu sả, tiêu chanh. Không bất ngờ sao được khi lần đầu tiên nếm thử những gia vị mới nghe tên lần đầu như rau bướm bọt, hạt ngô đồng, lá lốt rừng, hạt đười ươi bay (vòng chung kết Chiếc Thìa Vàng 2015) hay lá dít chua thanh, nấm tổ ong thơm ngát, đọt sâng the the để lại vị ngọt hậu dễ chịu, trái gáo chợt đăng đắng, chợt ngọt dịu…(vòng sơ tuyển ở cụm thi Nha Trang, Đà Nẵng). Rồi thì gai xưng, rau tô, nàng nàng, lá điều, trái chay…., trăm ngàn loại lá, loại trái, loại hạt cực kỳ đa dạng mọc ở khắp các địa phương ở miền đất trải dài với thổ nhưỡng khác nhau, khí hậu khác nhau, địa hình khác nhau đã tạo hương, tạo sắc, tạo sự tinh túy cho trăm ngàn món ăn hoàn toàn khác biệt. Hành trình gia vị Việt đã có một mùa bội thu ngay cả khi những vòng thi gay cấn nhất còn chưa kịp khép lại, góp phần phát hiện, bảo tồn và phát huy tinh hoa ẩm thực Việt giữa khu rừng gia vị bạt ngàn bất tận…
Bồ Công Anh