Đầu bếp mượn món ăn để kể những câu chuyện!

Những đầu bếp kể chuyện qua món ăn:”Khi bạn muốn món ăn hoàn hảo, nó phải có linh hồn đến từ câu chuyện của chính nó”, đầu bếp Singapore nói.

Các đầu bếp và nhà hàng ngày càng nhận ra sức mạnh của việc kể chuyện trong kinh doanh ẩm thực và phong cách nấu nướng của họ. Bởi ai cũng thích một câu chuyện hay – mang tính giáo dục, giải trí và làm say mê người nghe. Một câu chuyện hay sẽ lôi cuốn hơn bất kỳ điều gì khác.

Tại nhà hàng Preludio ở Singapore, bếp trưởng Fernando Arevalo sáng tạo ra những món ăn mà ông gọi là “Author’s Cuisine”. Nó gồm những món ăn gây bất ngờ, cùng câu chuyện về sự kết nối của Arevalo với các thợ thủ công.

Mỗi món ăn được phục vụ sẽ có bồi bàn hoặc đầu bếp chia sẻ giai thoại nhỏ về các nguyên liệu hoặc nguồn gốc của nó. Đến nhà hàng, thực khách được trải nghiệm giấm balsamic trứ danh, chất giấm sánh đặc như mật mía ủ trong nhiều thập kỷ. Vừa thưởng thức mùi thơm đặc trưng của giấm, thực khách sẽ được nghe câu chuyện Arevalo đi du lịch ở Italy. Ông đã ở căn phòng tầng trên của xưởng sản xuất giấm balsamic thủ công Il Borgo del Balsamico ở Modena, Italy, nơi có mùi hương giống hệt những gì thực khách đang trải nghiệm.

La Cortina là món ăn đặt tên theo căn phòng mà đầu bếp đã được truyền cảm hứng. Nó bao gồm agnolotti (một loại mì ống của Italy) nhân nhồi bí ngô, thơm phức mùi vanilla và amaretto (rượu được làm từ nhân của hạt mơ hoặc hạnh nhân) và giấm balsamic 25 năm tuổi. Ảnh: Predulio.

La Cortina không chỉ toát lên hương vị bí ngô, vani, amaretto và phô mai parmesan, mà nó mang thực khách đến với không gian căn gác đầu bếp từng ở. Một món ngon không chỉ nằm ở kỹ thuật nấu nướng hoàn hảo, nó còn khiến mọi người kết nối và hiểu được nguồn gốc của mình.

“Đó là tinh thần tôi muốn truyền tải qua khái niệm ‘Author’s Cuisine’. Ai cũng có thể làm mì ống với bí ngô, nhưng không ai có thể tái hiện nguồn cảm hứng khi tôi bước lên tầng gác mái với một cây nến trong tay và mùi giấm balsamic vẩn vương khiến tôi muốn chia sẻ nó với thế giới”, bếp trưởng Arevalo chia sẻ.

Ông Damian D’Silva, một chuyên gia ẩm thực di sản của Singapore, đồng tình với quan điểm này. Các đặc sản Âu Á và văn hóa Peranakan (nền văn hóa pha trộn giữa Trung Quốc và Malaysia xuất hiện vào khoảng năm 1400) được phục vụ tại nhà hàng thường đi kèm với khía cạnh văn hóa dân gian.

Tại nhà hàng Folklore, D’Silva chọn nấu các món gia đình truyền thống nhằm mang lại chiều sâu văn hóa. Ảnh: Folklore

Món ăn đặc trưng tại đây là cà tím xào tôm mềm mọng cùng sốt sambal, một loại tương ớt đặc trưng của khu vực Âu-Á được làm từ hẹ, mắm tôm, ớt, nước cốt chanh và đường cọ dừa. D’Silva đặt tên món này là Sambal Juliana. Thực khách thường tò mò hỏi: “Juliana là bạn gái của anh à?” và đây là cơ hội để ông chia sẻ về cội nguồn của nó.

Món ăn là ý tưởng của bà Juliana, vợ một quản đốc địa phương trong thời kỳ Malacca thuộc Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16. Bà muốn nấu một món truyền thống Bồ Đào Nha cho những binh sĩ nhớ nhà. D’Silva coi món ăn này như một di sản, bởi nó phản ánh một thời điểm nhất định trong lịch sử. Ảnh: New Paper.

“Tôi tin rằng, trải nghiệm ăn uống trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều khi bạn biết được câu chuyện đằng sau món ăn. Thực khách có thêm một điều gì đó mà họ chưa bao giờ biết trước đây. Thông tin này không làm ai đó thông minh hơn, nó chỉ giúp họ có thêm nhận thức. Khi có nhận thức, trong họ sẽ nảy sinh sự tò mò để tìm hiểu thêm về ẩm thực hoặc văn hóa”, D’Silva cho hay.

Ngoài ra, theo D’Silva, những câu chuyện không chỉ dành cho khách mà việc kể chuyện cũng cần thiết trong nhà bếp khi nói chuyện với nhân viên và truyền cảm hứng cho họ. Bởi những món ăn ở đây cần sử dụng kỹ thuật phức tạp, tốn nhiều thời gian và phải hoàn toàn làm bằng tay. Vì vậy, ông cần tìm những người có cùng cách nghĩ để làm việc trong bếp. “Bạn có thể đưa ra một công thức cho nhân viên của mình và họ có thể nấu nó với sự hoàn hảo đến 90%. Nhưng khi bạn muốn món ăn đạt 10% còn lại, nó phải có linh hồn đến từ câu chuyện của chính nó”, ông chia sẻ.

Với bếp trưởng Arevalo, khi nói đến việc tăng giá trị cho sản phẩm, câu chuyện là điều quan trọng nhất: “Nếu tôi nói với một đầu bếp rằng bơ là thứ đắt nhất thế giới, điều đó chẳng có ý nghĩa gì với họ. Nhưng khi tôi kể cho họ nghe câu chuyện về người làm bơ, cách anh ta dùng xẻng sản xuất 18 tấn bơ một tuần, cho họ xem ảnh và kể với họ về cha, ông của anh ấy, những người từng làm như vậy. Khi đó, đầu bếp sẽ nhìn bơ trong góc nhìn mới và biết quý trọng bơ, bởi nó có ý nghĩa nhiều hơn so với chi phí tạo ra nó”.

Theo vnexpress.net

Subscribe
Notify of
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Hãy đóng góp ý kiến của bạn nhé !x
()
x