Đầu bếp giữa thời Covid-19: “Hơn 10 nhà hàng đều từ chối tuyển vì ế khách”

Hơn 3 tháng nay, anh Trần Văn Tuấn (TPHMC) phải nghỉ việc do nhà hàng ế khách. Chạy hơn 10 nơi xin việc nhưng người đầu bếp này đều bị từ chối.

Gần 20 năm mưu sinh xa nhà

Những ngày đầu tháng 6, xóm trọ công nhân trên đường 26 (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM) khá buồn tẻ, nhiều căn nhà cửa đóng then cài. Những người sinh sống ở đây phần lớn là công nhân, nhiều trong đó đã nghỉ việc vì dịch Covid-19 bùng phát.

Ngồi trong phòng trọ nhỏ, anh Trần Văn Tuấn (sinh năm 1990, quê ở An Giang) cùng vợ thẫn thờ nhìn ra cửa nhà sau giờ cơm trưa.

Gần 20 năm mưu sinh ở TPHCM, chưa bao giờ anh thấy buồn như hiện tại. Công việc làm đầu bếp đã bị ngưng 3 tháng nay. Dịch bệnh bùng phát, đến nay anh chưa biết xin đi làm thêm việc gì. Gánh nặng mưu sinh khiến người đàn ông 31 tuổi có dáng vẻ tiều tụy.

Nhớ về thời gian đầu lên thành phố lập nghiệp, anh kể: “Tôi chỉ học đến lớp 9, ở quê cũng không có đất nên chỉ đi làm thuê kiếm tiền sống qua ngày. Biết hoàn cảnh gia đình, một vài người bạn rủ tôi lên TPHCM mưu sinh”.

Với anh, TPHCM khi ấy là nơi đặt nhiều hy vọng thay đổi cuộc sống và tương lai.

“Năm 2002, tôi tìm được công việc phục vụ trong một quán nhậu đêm với mức lương 30.000 đồng/ngày. Cùng với đó, ông chủ cho tôi ở trong nhà tập thể của quán nên đỡ một phần chi phí”, anh nhớ lại.

Trong thời gian này, anh Tuấn thấy đam mê công việc đầu bếp và xin chủ cho đi phụ. Năm 2005, khi đã tiết kiệm được một khoản tiền, anh đăng ký vào một trường nghề nhằm nâng cao trình độ, khi tròn 15 tuổi.

Học nghề xong, anh Trần Văn Tuấn làm thêm nhiều việc khác để thử sức, tìm kiếm cơ hội nhưng không gặp may. Anh quyết định quay lại nghề đầu bếp, khi gần 30 tuổi.

Khi đó anh được giới thiệu vào làm cho một nhà hàng tại Quận 3 với mức lương ổn định. Nhưng được một thời gian thì dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát, chỗ làm không trụ nổi phải đóng cửa và giải thể.

Để có tiền lo cho vợ con, anh chạy khắp nơi xin việc. “Hơn 10 nhà hàng đều từ chối tuyển tôi vì ế khách”, anh Trần Văn Tuấn cho biết.

Sau hơn một tháng thất nghiệp, anh được nhận vào một quán ăn gia đình trên đường Phạm Văn Đồng với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, dịch bệnh một lần nữa ập đến, quán chỉ hoạt động cầm chừng.

Giảm 50% thu nhập

Dịch ngày càng lan rộng, ổn định ở nơi làm việc mới chưa bao lâu, anh Trần Văn Tuấn một lần nữa bị cho dừng việc. May mắn, anh không bị chấm dứt hợp đồng như nhiều người, song thu nhập giảm 60%.

“Do dịch bùng phát trở lại, các quán ăn rơi vào tình trạng vắng người. Chỗ làm của tôi phải giảm nhân sự, đa số nhân viên bị cho nghỉ làm hết. May mắn sao tôi được tạm thời cho ở nhà, hưởng 40% lương, chờ khi quán mở lại thì làm nhưng chưa biết tới bao giờ”, anh Trần Văn Tuấn tâm sự.

Từ khi bị giảm lương, sinh hoạt gia đình anh Trần Văn Tuấn bị đảo lộn, mọi chi phí phải cắt giảm.

Vợ anh, chị Cao Thị Hồng Loan (30 tuổi) nhân viên một công ty xuất nhập khẩu cũng bị giảm giờ làm. Hiện tại, một tuần chị chỉ làm 3-4 ngày nên thu nhập không còn như trước.

“Đợt dịch lần này chồng ít việc phải ở nhà, lương giảm còn 40%. Tôi cũng bị giảm giờ làm nên thu nhập của vợ chồng chỉ 10 triệu đồng/tháng. Không biết thời gian tới chúng tôi phải sống và nuôi gia đình ra sao”, chị Cao Thị Hồng Loan thở dài.

Thấy vợ con thiếu ăn, thiếu mặc, anh Trần Văn Tuấn dự định chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập.

Anh đã liên hệ với công ty xin việc nhưng bị người thân ngăn cản vì sợ lây nhiễm bệnh từ cộng đồng. Lo lắng cho cuộc sống và công việc, anh chỉ mong dịch sớm được khống chế để đi làm trở lại như bình thường.

“Rất may cô chủ trọ hiểu hoàn cảnh công nhân khó khăn nên cũng đã giảm tiền phòng một ít. Có nhiều đợt cô ấy còn cho gạo, dầu ăn… Nhờ vậy, gia đình tôi cũng tiết kiệm được một phần”, chị Cao Thị Hồng Loan chia sẻ.

Nam Thái – Xuân Hinh

Subscribe
Notify of
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Hãy đóng góp ý kiến của bạn nhé !x
()
x