‘Nhất y – nhì dược – tạm được bách khoa’ – quan niệm đó đã ăn sâu trong ý thức của nhiều bậc cha mẹ khi con cái đến tuổi chọn nghề. Đó cũng là mục tiêu của cha mẹ đặt ra cho con mình. Tôi cũng không ngoại lệ.
Hi vọng con trở thành bác sĩ
Con tôi là học sinh giỏi của Trường THPT chuyên Tiền Giang, học chuyên hóa 3 năm từng đoạt nhiều giải thưởng cấp thành, cấp tỉnh. Tôi hi vọng con mình sẽ trở thành bác sĩ. Trớ trêu thay con không chọn y, chọn dược mà rẽ sang nghề bếp.
Bao nhiêu hi vọng trong tôi dường như sụp đổ. Từ nhỏ, con rất ngoan, luôn làm theo sự sắp đặt của mẹ. Vậy mà lần này con làm tôi rất đau lòng. Tại sao vậy? Tôi đã tự hỏi mình hàng trăm lần.
Càng nghĩ tôi càng giận, tôi đã thét lên: “Toàn, con có phải là đứa dốt đâu mà chọn trường nghề? Bao nhiêu nghề không chọn lại chọn nghề ‘làm dâu trăm họ’, mẹ biết ăn nói làm sao với mọi người? Nếu học đại học mẹ sẽ lo tất cả, còn học trường nghề thì tự lo, một xu cũng không có”.
Chọn nghề bếp ư? Tôi không sao tin vào sự thật này. Điều đó không bao giờ xảy ra, trừ khi “mặt trời mọc ở hướng tây”. Tôi nhất định không thể để con đi sai đường.
Rồi một ngày Toàn rời nhà lên TP.HCM với đôi bàn tay trắng và để lại một bức thư, trong đó có đoạn: “Có lẽ mẹ là người đầu tiên nhen nhóm trong con ngọn lửa đam mê nghề bếp. Hãy cho phép con chọn nghề bếp mẹ nhé! Thời gian sẽ chứng minh việc chọn nghề của con là không sai”…
Quyết tâm theo nghề bếp
Con bắt đầu một cuộc sống tự lập, bán bánh mì, rửa chén quán ăn, dọn nhà vệ sinh cho các khách sạn… để có tiền nuôi sống bản thân và nuôi dưỡng ước mơ trở thành đầu bếp. Khi gặp con, lòng tôi đau như dao cắt, nước mắt tôi chực trào vì thấy con gầy rộc đi và đen đúa. Tôi cắn chặt môi cố nén tiếng nấc vào lòng, vừa giận vừa thương.
Có lẽ “trời không phụ lòng người”. Con may mắn được tuyển vào Hyatt Hotel, được làm việc với các đầu bếp chuyên nghiệp, nỗi khát khao càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cứ mỗi lần dọn rửa chén dĩa, con “lén lút” giấu thức ăn dư thừa của thực khách trốn vào nhà vệ sinh nếm thử.
Ngay lần đầu tiên thử món fettuccine carbonara, panna cotta, mousse, tart trứng, tart táo… con đã ngất ngây với hương vị của nó, yêu vị béo ngậy của bơ hay kem sữa, lưu luyến cái lạ của các loại xốt.
Toàn đã nhận ra tình yêu của nó dành cho ẩm thực phương Tây là rất lớn. Mỗi ngày con phải thức từ 4h để đi xe buýt vào trung tâm làm việc, đến 16h mới về nhà.
Trải qua nhiều khó khăn và lắm vất vả, tháng 10-2016 Toàn vào Trường Saigontourist. Sau 1 năm, dưới bàn tay nhào nặn của các thầy cô, Toàn đã từng bước trưởng thành hơn.
Lần đầu tiên đến với cuộc thi “Taste of California Cheese” cùng người bạn thân Trà Khang Dỹ, cả hai ôm luôn giải nhất. Niềm vui vỡ òa đã tiếp thêm ngọn lửa đam mê trong con.
Không dừng ở đó, tiếp đến là giải ba “Hội thi bánh TP.HCM mở rộng”, giải nhì kỳ thi tay nghề trẻ cấp thành phố và không thể nào hạnh phúc hơn huy chương vàng kỳ thi tay nghề trẻ cấp quốc gia năm 2018.
Thi tay nghề Đông Nam Á
Rồi một mình con ra Hà Nội chuẩn bị cho cuộc thi tay nghề Đông Nam Á (Asean Skills) 2018. Toàn tạm rời xa mái ấm thứ hai của mình, xa bè bạn, thầy cô. Khoảng thời gian ở Hà Nội, con đã không ngừng luyện tập từ pasta, các món cá, bánh ngọt tới những loại bánh mì chưa từng biết tới.
Lần này đến với đấu trường Asean Skills, với nhiều cung bậc cảm xúc, Toàn không dám chắc có thể đem vinh quang về cho nước nhà. Con chỉ dám chắc sẽ hết sức mình cho thỏa đam mê và cũng là lời tri ân tất cả thầy cô đã truyền lửa, đã chắp cánh cho ước mơ của mình được bay cao và bay xa.
Trở về từ Asean Skills 2018, mặc dù chưa giành huy chương nhưng Toàn có nhiều cơ hội việc làm tốt. Silverland rồi Diplomat đã mở ra cho con tôi nhiều cơ hội để trải nghiệm, sáng tạo, để là chính mình. Đây chỉ là nấc thang đầu tiên trên con đường chinh phục đỉnh cao của nghề bếp.
Toàn vẫn đang luyện tập và tiến bộ hằng ngày, như con tằm trong thời kỳ hóa bướm. Quá trình làm kén càng đau đớn và gian khổ đến đâu thì hình hài chú bướm sẽ càng mỹ miều đến đấy. Toàn ôm ấp hoài bão trở thành một chuyên gia ẩm thực, với sứ mệnh phát dương ẩm thực Việt ra thế giới và chắt lọc tinh hoa của thế giới vào nền ẩm thực nước nhà.
Tôi đã sai
Con tôi không sai mà chính tôi đã sai. Tôi cảm ơn con đã dám khát khao, dám chiến đấu, dám đương đầu sống hết mình vì đam mê. Con người vốn không được lựa chọn số phận nhưng có thể thay đổi nó bằng chính tính cách và sự lựa chọn trong cuộc sống của mình.
“Học giỏi chưa chắc thành công, nhưng chọn đúng nghề và giỏi với nghề chắc chắn thành công” – đó là điều tôi thấm thía nhất.