Chuyện ít biết về nghề đầu bếp giữa trùng khơi

Chuyến hải trình ra với Trường Sa gặp sóng khá lớn, nhưng 8 “anh nuôi” của tàu KN491 luôn phát huy hết tinh thần, trách nhiệm,đảm bảo “cơm ăn ba bữa” cho hơn 200 đại biểu. Là bộ đội Hải quân, làm nhiều chuyên ngành như máy tàu, lái xe, quân khí… mỗi khi có đoàn công tác ra với Trường Sa các anh lại được triệu tập.

Xuyên đêm! Con tàu kiểm ngư KN491 lướt sóng lớn hướng về Trường Sa thân yêu. Tinh mơ, Lê Văn Sơn – chiến sĩ Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân lần đầu làm nhiệm vụ nuôi quân trên tàu đang ngất ngây vì say sóng lên mời các đại biểu ăn sáng. Lát sau, cậu hớt hơ hớt hải chạy xuống khoang bếp nói trong tiếng thở dốc: “Anh Thảo! Anh Thảo! 2/3 đại biểu say sóng không dậy nổi, ai cũng báo cháo. Cơm sáng đã xong, nấu cháo sao kịp?”. Anh Hoàng Như Thảo – phụ trách bộ phận nuôi quân cười lớn: “Chú yên tâm, anh liệu hết rồi”.

Vừa vỗ vai trấn an Sơn, anh Thảo vừa lật vung nồi cháo quân dụng “khổng lồ” đang bốc hơi nghi ngút, mùi thơm ngào ngạt. “Kinh nghiệm vỡ lòng với “anh nuôi” trên tàu đấy chú à”, anh Thảo nói trong sự ngỡ ngàng đến phấn khích của Sơn.

Bữa sáng hôm đó, gần như cả đoàn bị say sóng, không ai nuốt nổi cơm, may sao có nồi cháo loãng anh Thảo chuẩn bị, mỗi người vài thìa lấy sức để chống chọi lại những con sóng.

Hôm sau, khi mọi người vẫn đang say giấc nồng, điện khu vực bếp đã sáng trưng. Các “siêu đầu bếp” đang chuẩn bị món phở bò. Cả bếp như được lập trình, bộ phận nhúng bánh phở, rửa hành; hầm nước dùng; thái thịt; sắp bát, dọn bàn; bộ phận thì rã đông thịt lợn, bò, gà, cá, nhặt rau… để chuẩn bị bữa trưa. Cả gian bếp nhộn nhịp như một “công trường” thu nhỏ.

Đợt gió mùa tràn về khiến sóng đánh mạnh vào mạn làm tàu lắc lư, nghiêng ngả, xoong nồi bị trượt dồn về các phía, vung rơi liểng xiểng. Khách trên tàu mấy phen chao đảo, ngã dúi dụi. Vậy mà “tay chảo”, “tay muỗm” các anh vẫn điêu luyện. Anh Thảo chia sẻ: “KN491 là loại tàu to nhất, hiện đại nhất lực lượng kiểm ngư mà còn thế này thì với tàu nhỏ, phóng viên có thể tưởng tượng ra công việc nấu ăn giữa trùng khơi sẽ vất vả thế nào rồi chứ”.

Khoe mấy vết sẹo trên mu bàn tay và ngón tay trái, anh Trần Quốc Huynh, một đồng hương với tôi nói: “Đây là vết tích của những lần thái thịt trên tàu. Gặp sóng lớn, nếu không cẩn thận là đứt tay như chơi. Còn đây là hậu quả những lần đứng không vững thuở mới vào nghề như chú Sơn đấy”, anh Huynh vừa dí dỏm vừa chỉ tay vào mấy vết sẹo trên trán mình. Rồi anh kể tôi nghe nhiều lần gặp sóng biển cao vài mét, làm nước đang sôi, thức ăn bắn tung tóe khắp bếp, không cẩn thận bỏng như chơi. Mỗi lần như thế, anh em phải vừa vệ sinh bếp vừa nấu để kịp giờ ăn.

“Những ai chưa quen phải dùng thắt lưng cố định người với thành bếp, còn ai có kinh nghiệm thì vào thế tấn hoặc tỳ chắc hông vào thành bếp, tay vừa giữ nồi, vừa đảo”, anh Thảo thị phạm động tác khiến mọi người cười nắc nẻ.

“Nấu ăn trong điều kiện chông chênh phải có “mẹo” nếu không cả tàu sẽ mất ăn”, anh Nguyễn Văn Linh bật mí kinh nghiệm. “Chúng tôi phải chằng buộc xoong, nồi và các vật dụng cẩn thận, thực phẩm phải chuẩn bị trước, khi nấu chỉ tập trung giữ nồi, chia thức ăn sang nhiều nồi để hạn chế bị tràn ra ngoài, tuy hơi lâu nhưng an toàn”, anh Linh chia sẻ thêm.

Sau khi cơm và thức ăn đã nấu xong, anh Thảo cùng mọi người lại bắt tay chuẩn bị nồi cháo phục vụ những người bị say sóng.

Chuyến hải trình ra với Trường Sa gặp sóng khá lớn, nhưng 8 “anh nuôi” của tàu KN491 luôn phát huy hết tinh thần, trách nhiệm, bảo đảm “cơm ăn ba bữa” cho hơn 200 đại biểu. Là bộ đội Hải quân, làm nhiều chuyên ngành như máy tàu, lái xe, quân khí… mỗi khi có đoàn công tác ra với Trường Sa các anh lại được triệu tập. Tình đồng đội gắn kết các anh lại gần nhau. Họ luôn giúp đỡ nhau, người có kinh nghiệm đi biển hướng dẫn cho người đi lần đầu, cùng nhau trao đổi thống nhất để nâng cao chất lượng bữa ăn phục vụ đoàn công tác.

Thực đơn trước mỗi chuyến đi đều được trình cấp trên phê duyệt. Mỗi chuyến đi kéo dài nhiều ngày nên thực phẩm mua về phải tươi, sạch, được phân loại, đóng gói và đưa lên tàu cấp đông. Trước khi rời cảng, mọi thứ đã phải gọn gàng trong kho. Những ngày đầu, các anh ưu tiên sử dụng các loại rau dễ hỏng như rau cải, muống, sau đó mới đến các loại củ quả như đu đủ, bầu, bí, khoai… Bên cạnh đó, các anh còn hướng dẫn đại biểu cách câu cá biển nhằm bổ sung đồ tươi, cải thiện món ăn. Nhờ đó, thực đơn hàng ngày luôn thay đổi phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng.

Trong suốt hải trình, những câu chuyện trên boong tàu, trong phòng ngủ hay bữa ăn, “khâm phục” là hai từ mà các đại biểu luôn dành cho các “siêu đầu bếp”. Trong lần tôi tình cờ xuống bếp thấy các anh đang dọn dẹp “bãi chiến trường” khi mọi người đã yên giấc. Trước thắc mắc về không khí phấn khởi trong bếp lúc này, anh Thảo chia sẻ “Hôm nay không còn ai báo cháo, 40 mâm mà thức thừa rất ít, thật không uổng công anh em chúng tôi vất vả”.

Thật trân quý biết bao những người lấy bữa ăn ngon miệng của người khác làm niềm vui của mình.

Subscribe
Notify of
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Hãy đóng góp ý kiến của bạn nhé !x
()
x