Có một mặt đi liền với nấu ăn, rất ít khi được thể hiện ra, tôi tạm gọi nó là sự bất an. Càng học hỏi nhiều về đồ ăn, càng có nhiều kinh nghiệm, cái sự bất an đấy lại càng lớn. Với tôi thì nó là thứ giúp cho mình giữ được cái chuẩn mực của món ăn luôn luôn ổn định hoặc đi lên, nhưng cùng với đó thì nó cũng là thứ khiến cho nhiều đầu bếp, đặc biệt là bếp trưởng, trở thành những gã tâm thần nặng trong nhà bếp.
Với bất kì những ai coi việc nấu ăn là nghiêm túc, sự bất an luôn hiện hữu khi họ trong bếp làm việc. Có thể hiểu đơn giản như với những đầu bếp trong quá trình học hỏi ban đầu, mình luôn thấy bất an vì tất cả những gì mình làm, mình nấu đều dưới sự giám sát chặt của cấp trên ở mọi lúc. Vì vậy mình luôn luôn phải biết mình đang làm cái gì. Mình học hỏi càng nhiều, thu thập được kinh nghiệm càng dày, mình sẽ càng cảm thấy tự tin hơn với những thứ mình làm. Tuy nhiên, cùng với đó mình cũng nhìn ra được nhiều khía cạnh của đồ ăn hơn, những thứ nhỏ nhặt mà mình phải làm cho tốt thì món ăn mới được hoàn hảo, những thứ mà trước đây mình không hề biết đến. Có một câu nói tôi rất yêu thích từ một đầu bếp mà tôi ngưỡng mộ nhất: “Sự hoàn hảo chỉ đơn giản là rất nhiều những thứ nhỏ nhặt được hoàn thành tốt”. Mình càng lên cao trong công việc, sự tập trung của mình càng phải lớn, mình càng phải lo lắng đến càng nhiều thứ hơn, mặc dù vẫn cùng một món như vậy.
Vì sao lại có nhiều bếp trưởng khùng điên đến thế? Nói về những người thực sự đam mê và nghiêm túc với việc nấu ăn, kinh nghiệm của họ càng nhiều, kiến thức của họ càng cao, họ càng trở nên khó tính và khắc nghiệt. Là một đầu bếp, đầu mình luôn hướng đến sự hoàn hảo, và cái sự hoàn hảo đấy leo lên cao dần cùng với kiến thức của mình. Bản thân tôi nghĩ rằng sự hoàn hảo chỉ có tính tương đối, ngày hôm nay mình làm ra món này, mình thấy nó tuyệt hết chỗ chê; nhưng vài ba tháng nữa nhìn lại nó mình sẽ thấy nó chưa chắc đã ngon đến mức đấy. Mình làm việc với món gì càng nhiều, mình sẽ càng hiểu nó hơn, cùng với đó mình sẽ cải thiện được nó. Và điều đó tất nhiên sẽ càng ngày càng đè nặng nhiều thứ lên đầu mình mỗi khi mình phải làm nó. Vì sao những đầu bếp mới luôn luôn hứng rất nhiều trận chửi từ cấp trên? Đơn giản rằng cùng một thứ bạn làm như vậy nhưng trong đầu bạn và trong đầu sếp là hai hình hài hoàn toàn khác nhau, bạn thấy nó ổn, nhưng sếp của bạn thì chỉ nhìn thấy một đống cứt, và có lẽ bạn cũng sẽ thấy vậy nếu bạn có nhiều kiến thức như sếp mình. Vì sao cái thằng sếp suốt ngày nổi khùng lên vì mấy thứ nhỏ nhặt? Tôi luôn luôn nói những thứ nhỏ nhặt cũng có thể làm nên sự khác biệt. Có thể vì mình chưa đủ lớn để hiểu được rằng nó không hề nhỏ chút nào. Cái sự bất an của sếp mình lớn hơn mình đến cả trăm lần, mình nên hiểu được điều đó. Món ăn phải đạt chuẩn đến từng chỉ tiết nhỏ, và chỉ với một hay hai chi tiết nhỏ mà với mình nó chẳng sao cả, hoặc có khi mình còn không biết; món ăn đó với bếp trưởng đã là không chấp nhận được.
Bếp là một môi trường mà nó có thể cuốn mình theo rất nhanh và không thương tiếc. Mình bắt đầu với những công việc lặt vặt cùng bát đĩa, rau củ; rồi dần leo lên những thứ lớn hơn. Suốt quãng đường mình liên tục va chạm với dao, lửa, khói và những trận chửi rủa. Đến một ngày ngoảnh đầu nhìn lại, mình sẽ thấy mình không còn giống mình trước kia nữa. Đôi khi có người hỏi tôi: “ Cảm giác làm một đầu bếp thế nào? “ Thường thì tôi hay trả lời : “ Cũng khá giống với làm một thằng thần kinh. ”