Làm sao để bảo quản thịt gà đông lạnh vẫn giữ được độ tươi ngon như mới mua là điều nhiều bà nội trợ mong muốn được biết. Học viện ẩm thực chia sẻ bài viết dưới đây hy vọng sẽ cung cấp một số mẹo hay hữu ích cho các đầu bếp gia đình mùa dịch.
Thịt gà là thực phẩm có chứa nhiều protein, vitamin và các khoáng chất thiết yếu như: Sắt, canxi, kẽm, kali rất có lợi cho sức khỏe. Đây là món ăn quen thuộc và được nhiều người yêu thích. Từ thịt gà có thể chế biến thành các món ăn thơm ngon, bổ dưỡng như: Gà luộc, gà hấp, gà rang gừng, gà rán, gà xào sả ớt…
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn thịt gà giúp giảm nguy cơ mắc ung thư ruột, tốt cho tim mạch, chống trầm cảm, hỗ trợ răng và xương, thúc đẩy sức khỏe cho mắt, kéo dài tuổi thọ…
Cũng như các món ăn khác, cách tốt nhất để tận dụng tối đa giá trị dinh dưỡng từ thịt gà là chế biến ngay sau khi làm sạch. Lúc này, gà vẫn giữ được độ tươi, thịt chắc, thơm và ngọt.
Nhưng trong lúc dịch Covid-19 hoành hành, các bà nội trợ phải giảm thiểu số lần đi chợ và việc ăn gà đông lạnh là điều khó tránh khỏi.
Chia sẻ về kinh nghiệm chế biến các món ăn từ gà cấp đông, anh Trần Văn Hoàng, đầu bếp tại một cửa hàng ăn ở phố Bà Triệu (Hà Đông) cho biết, về cơ bản, các giá trị dinh dưỡng trong thịt gà tươi và gà cấp đông không khác nhau là mấy.
Điều quan trọng là nếu biết cấp đông, rã đông và nấu đúng cách, gà vẫn sẽ giữ được độ tươi ngon như ban đầu.
Theo anh Hoàng, trên thực tế, nhiều người chỉ chú trọng vào bước chế biến, tẩm ướp sao cho gà thật ngon mà không biết rằng, nếu 2 bước cấp đông và rã đông sai cách thì bước chế biến không thể đạt được hiệu quả như mong muốn.
Cụ thể, với kinh nghiệm của mình, anh Hoàng chia sẻ, sau khi tự giết mổ hoặc mua gà mổ sẵn ở chợ về, chúng ta cần xát muối làm sạch gà. Nếu có nhu cầu cấp đông để sử dụng dần, nên để gà vào một chiếc rổ sạch cho gà ráo nước. Một chuyên gia của trường Trung cấp nghề Nấu ăn và Nghiệp Vụ khác sạn khuyên bạn có thể dùng giấy thấm nước để thấm khô thịt gà.
Tiếp đến, có thể cho gà vào ngăn mát tủ lạnh từ 1-2 tiếng cho thịt gà săn lại, sau đó buộc kín gà bằng túi bóng sạch (hoặc có điều kiện có thể tiến hành hút chân không) và cho lên ngăn đá để trữ đông.
Bước này khá quan trọng vì nếu gà vẫn đang chảy nước, chưa khô mà cho vào cấp đông luôn, thịt gà thường bị đóng nhiều băng xung quanh, hay bị nhão, nhạt thịt sau khi rã đông.
Trong quá trình cấp đông thịt gà bạn nên chú ý đến nhiệt độ và thời gian cấp đông, nếu cấp đông thịt gà ở nhiệt độ từ -18 độ đến -30 độ thì sẽ để được một năm, cấp đông sâu ở -36 độ thì để được 18 tháng.
Ở công đoạn tiếp theo, khi có nhu cầu chế biến các món ăn khác nhau từ gà, chúng ta lấy gà trong tủ đá, để xuống ngăn mát để rã đông từ từ. Cách này hầu như giúp gà tươi ngon như ban đầu. Muốn rã đông gà nhanh hơn hãy dùng nước lạnh ngâm gà (vẫn để trong túi bóng kín). Cần đảm bảo rằng túi không bị thủng, không để nước lọt vào bên trong túi gà là nhạt thịt gà khi chế biến. Tuyệt đối không rã đông gà bằng nước nóng vì sẽ khiến gà bị bở, khô thịt, khó có thể chế biến các món ăn ngon được. Việc dùng lò vi sóng rã đông cũng chỉ nên áp dụng nếu cần trong các trường hợp cấp tốc, bình thường nên hạn chế.
Hy vọng những chia sẻ trên có thể giúp chị em làm bếp một cách nhanh, hiệu quả, nấu được những món ngon nhất. Học viện ẩm thực mong nhận được sự đóng góp từ quý bạn đọc về nhiều cách khác để bảo quản và rã đông thịt gà tươi ngon.
Nguon soha