Cách làm chè dừa dầm Hải Phòng mát lạnh đơn giản ngay tại nhà được nhiều người quan tâm và tìm kiếm. Học Viện Ẩm Thực sẽ chia sẻ với bạn cách làm chè dừa dầm dưới đây.
Xem thêm: 3 Cách làm milo dầm đón mùa hè ngon khó cưỡng
Dừa dầm là món chè ngon giải nhiệt mùa hè cực hấp dẫn cho những tín đồ hảo ngọt với vị béo ngậy của dừa, mát lạnh của rau câu. Trong một vài năm gần đây, dừa dầm hay chè dừa dầm Hải Phòng xuất hiện và nhanh chóng trở thành món chè ngon giải nhiệt mùa hè thu hút giới trẻ, gây sốt trên khắp các mạng xã hội, các hội nhóm review đồ ăn cũng liên tục nhắc đến món ăn này.
1. Nguyên liệu làm chè dừa dầm Hải Phòng
Phần nước cốt dừa
1kg cùi dừa (tương đương với 1 – 2 quả dừa)
Phần sữa dừa
- 500 – 800ml nước cốt dừa
- 80gr đường (tùy khẩu vị để cân đối thêm)
- 100ml sữa đặc
- Muối
- 50gr bột bắp/bột gạo (không bắt buộc)
Phần thạch rau câu dừa
- 400 – 500ml nước dừa
- 1 gói bột rau câu con cá dẻo
- 150ml nước cốt dừa
- 200gr đường
- 500ml nước lọc
Phần trân châu dừa
- 300gr cùi dừa tươi
- 600gr bột năng
- 500ml nước ấm
Lưu ý:
Vì các nguyên liệu chính đều xuất phát từ dừa tươi nên bạn có thể mua cả quả dừa (số lượng 1 – 2 quả) để vừa lấy nước, vừa lấy cùi, tự rửa sạch, bỏ vỏ, nạo nhỏ cũng như bào sợi thay vì mua từng loại bán sẵn ở ngoài chợ, các cửa hàng.
Thay vì tự làm nước cốt dừa thì bạn có thể mua loại đóng hộp sẵn ở trong các siêu thị, cửa hàng.
2. Cách làm dừa dầm Hải Phòng
Bước 1: Làm nước cốt dừa
Để làm dừa dầm, trước hết bạn phải có nước cốt dừa. Cách làm nước cốt dừa cũng khá đơn giản nên bạn vẫn hoàn toàn có thể làm tại nhà một cách nhanh chóng. Nếu bạn đang có cả miếng cùi dừa tươi to thì phải rửa sạch, cắt sạch hết phần vỏ nâu rồi bào thành hai kiểu là nhỏ vụn và dạng sợi dài. Để tiết kiệm thời gian hơn, bạn có thể tìm mua loại dừa đã nạo thành sợi bán sẵn ở các cửa hàng.
Phần cùi dừa sợi này sẽ để ăn kèm trực tiếp trong dừa dầm, không cần chế biến gì thêm. Phần cùi nhỏ vụn thì bạn cho vào nước ấm, nhào đều, vắt mạnh tay để lấy nước cốt. Cách đơn giản thứ hai, bạn cho phần cùi dừa vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn rồi dùng rây lọc phần bã, chỉ giữ lại nước cốt.
Bước 2: Làm phần sữa dừa
Cho một phần nước cốt dừa (lấy vừa đủ lượng ăn của gia đình) vào nồi đun cùng đường và một thìa nhỏ muối, để lửa nhỏ cho hỗn hợp sôi lăn tăn. Nếu muốn hỗn hợp có độ sánh, bạn có thể cho thêm một chút bột bắp hoặc bột gạo vào khuấy đều.
Hỗn hợp đun trong khoảng từ 10 – 15 phút thì bạn thêm tiếp sữa đặc vào rồi khuấy cho hòa tan hết tất cả các nguyên liệu, sữa sẽ giúp cho phần nước dừa của bạn có vị béo ngậy, thơm ngọt. Cuối cùng, bạn tắt bếp và bắc hỗn hợp ra ngoài cho nguội, như vậy là đã chuẩn bị xong phần sữa dừa cho món chè dừa dầm rồi đó.
Đối với phần nước cốt để nấu sữa dừa, nếu dùng loại đóng hộp bán sẵn sẽ đặc hơn bình thường, thế nên bạn không cần cho thêm bột bắp hay bột gạo để tạo độ sánh nữa đâu nhé.
Bước 3: Làm thạch rau câu dừa
Phần thạch rau câu cần hai loại là thạch rau câu trắng giả dừa non và thạch rau câu nước dừa tươi.
Để làm thạch rau câu trắng giả dừa non, bạn dùng một nửa gói bột rau câu con cá dẻo (khoảng 5gr) trộn với đường rồi đổ nước lọc vào khuấy đều, sau đó bắc lên bếp đun nhỏ lửa.
Tiếp theo, bạn cho tiếp một ít nước cốt dừa để tạo ra màu thạch trắng đục, trông giống miếng cùi dừa non. Trong quá trình đun, bạn vừa nấu vừa khuấy liên tục cho đến khi thấy hỗn hợp sôi, hớt hết lớp bọt để bề mặt thạch không bị rỗ rồi tắt bếp, đổ thạch ra khuôn và để nguội trong ngăn mát tủ lạnh cho thạch đông lại. Khi sử dụng, bạn chỉ cần thái miếng to, độ dày mỏng để trông giống những miếng dừa non.
Phần thạch rau câu nước dừa tươi. Trong công thức này, phần nước lọc để làm thạch sẽ được thay thế bằng nước dừa tươi để tạo ra độ thanh mát, ngọt vừa miệng. Trước hết, bạn cho nốt 5gr gói bột rau câu con cá dẻo vào nồi, thêm một chút đường và nước dừa tươi rồi khuấy đều, cho lên bếp bật đun nhỏ lửa. Bạn nên giảm bớt lượng đường sử dụng đi một chút để thạch rau câu không bị quá ngọt do đã sử dụng nước dừa tươi.
Khi thấy hỗn hợp sôi, bạn dùng thìa hớt sạch phần bọt nổi lên để mặt thạch được mịn, không bị rỗ thành nhiều lỗ nhỏ, sau đó tắt bếp và bắc nồi ra để nguội. Tiếp theo, bạn chỉ cần đổ hỗn hợp vừa làm vào các loại khay, cho vào tủ lạnh ngăn mát để thạch đông lại là xong. Thạch rau câu dừa tươi bạn có thể đổ vào khuôn nhỏ để tạo hình bông hoa, trái tim, ngôi sao hoặc thái thành hình hạt lựu.
Bước 4: Chuẩn bị trân châu dừa
Bước thứ nhất, bạn cho 600gr bột năng vào một chiếc âu hoặc chậu sạch ráo nước, có thể rây bột một lần để bột được mịn hơn. Tiếp đến, bạn cho nước ấm vào từ từ, nên chú ý điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế chứ không đổ hết luôn để đề phòng trường hợp bột quá loãng hoặc không đủ nước tạo độ gắn kết. Bạn nhào bột liên tục cho đến khi cảm thấy bột đã đủ mềm mịn thì dùng màng bọc thực phẩm bao khối bột lại, để bột nghỉ khoảng 30 phút.
Trong thời gian này, bạn tiếp tục rửa sạch phần cùi dừa với nước lọc, thái thành những viên hạt lựu nhỏ, kích thước bằng đầu đũa để làm nhân trân châu. Sau đó, bạn bỏ khối bột ra, lấy một lượng bột nhỏ vừa đủ, lăn tròn rồi dùng ngón tay ấn dẹt xuống để thêm nhân dừa. Tiếp theo, bạn dùng tay nhẹ nhàng gói lớp vỏ bột lại, bọc kín chúng, tiếp tục vo tròn bột sao cho nhân không lộ ra ngoài, không bị méo mó.
Trân châu sau khi nặn xong toàn bộ thì phải đem đi nấu chín. Bạn đun một nồi nước nóng, đến khi nước sôi hẳn mới thả trân châu vào, quan sát thấy khi nào chúng nổi trên mặt nước thì có nghĩa là đã chín. Lúc này, bạn vớt trân châu lên rồi thả ngay vào bát nước lạnh để duy trì độ dẻo, các hạt trân châu cũng không dính vào nhau. Hoàn thành các công đoạn trên là bạn đã có một bát trân châu dừa cực ngon rồi đó. Trân châu dừa có thể ăn với rất nhiều loại chè ngoài chè dừa dầm, thế nên bạn hãy lưu lại công thức chế biến ngay để áp dụng vào các món chè khác nữa nhé!
Bước 5: Hoàn thiện cốc chè dừa dầm Hải Phòng
Ta trộn đều các phần nguyên liệu đã chế biến, thêm một ít đá và dừa tươi đã nạo thành sợi là có thể thưởng thức ngay món chè dừa dầm Hải Phòng rồi đó. Bạn cũng có thể rắc thêm một chút mè rang hoặc đậu phộng rang giã nhỏ để món chè thêm thơm ngon, béo ngậy.