Ngày càng nhiều nữ đầu bếp khẳng định vị trí trong lĩnh vực ẩm thực vốn thống trị bởi nam giới. Họ phải đánh đổi nhiều thứ, kể cả hạnh phúc cá nhân để thành công.
Cho Hee-sook, bếp trưởng của nhà hàng Hansikgonggan ở Seoul, là người có uy tín cao trong nền ẩm thực truyền thống Hàn Quốc. Quán của cô vinh dự đạt 1 sao Michelin và nằm trong danh sách 50 nhà hàng tốt nhất châu Á. Bản thân Hee-sook cũng được vinh danh là “Nữ đầu bếp hàng đầu châu Á” và “Người mẹ đỡ đầu của nền ẩm thực Hàn Quốc”.
“Khi tôi mới bắt đầu sự nghiệp vào năm 1983, công việc này không hề phổ biến hay nhận được sự ngưỡng mộ như bây giờ. Thực tế, đó là một nghề nghiệp bạn muốn che giấu khỏi mọi người. Ca làm kéo dài tới 15 tiếng/ngày và điều ấy thử thách sức khỏe của tôi. Hơn nữa, các đầu bếp thời đó thường có tư tưởng bảo thủ đối với việc phụ nữ xuất hiện trong bếp nhà hàng”, cô nói.
“Để vượt qua định kiến xã hội, tôi phải từ bỏ việc lập gia đình, đặt sự nghiệp lên trên hết và làm việc chăm chỉ gấp 2-3 lần so với những nam đầu bếp”, Hee-sook chia sẻ.
Theo Hee-sook, giải thưởng “Nữ đầu bếp hàng đầu châu Á” chứng minh rằng thành công ở lĩnh vực này không phải là một điều dễ dàng đối với phái nữ, ngay cả trong thời hiện đại.
“Đầu bếp cần phải khỏe mạnh và luôn tràn đầy năng lượng. Để trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp, bạn không chỉ cần kỹ thuật nấu và sự sáng tạo mà còn cần cả cá tính riêng, nghệ thuật và khả năng điều hành hệ thống bếp.
Có thể các nữ đầu bếp không khỏe bằng những đồng nghiệp là nam giới. Tuy nhiên, tôi cho rằng không có gì ngăn cản được phụ nữ chỉ vì họ là phái yếu. Họ cần được nhìn nhận và đánh giá dựa trên thực lực, chứ không phải thông qua giới tính”, cô nói.
Phụ nữ sẽ tiếp tục tiến xa hơn trong ngành ẩm thực
Một cái tên nổi bật khác trong ngành ẩm thực là nữ đầu bếp người Mỹ gốc Hàn Judy Joo. Cô theo đuổi sự nghiệp ở Phố Wall (Mỹ), trở thành đầu bếp bánh ngọt tại Nhà hàng Gordon Ramsay và làm việc ở không ít quán ăn của ông.
Đồng thời, Judy từng nấu nướng tại các nhà hàng huyền thoại như The French Laundry và The Fat Duck. Cô cũng là nữ Iron Chef duy nhất ở Anh và thứ hai trên thế giới, chỉ sau Cat Cora.
Mới đây, Judy tung ra một cuốn sách dạy nấu ăn mới có tên Korean Soul Food (tạm dịch: Linh hồn ẩm thực Hàn Quốc) và mở quán Seoul Bird tại London (Anh) chuyên về món gà rán trứ danh ở xứ sở kim chi.
“Món ăn Hàn Quốc xứng đáng có một chỗ đứng vững chắc trong lòng thực khách toàn cầu. Tôi hy vọng mình có thể lan tỏa tình yêu ẩm thực quê nhà tới mọi người qua từng miếng kim chi.
Tôi luôn cố gắng giới thiệu và tôn vinh không chỉ món ăn mà cả văn hóa Hàn Quốc. Vì vậy, mọi nhà hàng của tôi luôn được chú trọng đến việc thể hiện màu sắc, kết cấu và kiến trúc đặc trưng của truyền thống quê nhà”, cô chia sẻ.
Judy cho biết hầu hết nhà hàng trên thế giới đều do nam giới thống trị, kể cả ở Hàn Quốc. Những ngôi sao trong làng ẩm thực thường là đàn ông và họ được truyền thông chú ý, quan tâm hơn nữ đầu bếp.
“Tuy nhiên, mọi chuyện đang dần thay đổi. Tại Hàn Quốc, bạn sẽ thấy ngày càng nhiều nữ đầu bếp tham gia vào ngành ẩm thực. Thậm chí, họ còn đi du học để trau dồi kinh nghiệm và tạo dựng được tên tuổi của mình trên thế giới”, cô nói.
Bên cạnh Judy Joo, một cô gái người Mỹ gốc Hàn khác có tên Mina Park cũng đang dẫn đầu xu thế “vụt sáng” của những nữ đầu bếp. Cô là người sáng lập ra nhà hàng Shiku và Los Angeles’s Baroo.
“Có thể nói, ẩm thực Hàn Quốc đang thực sự đi đầu trong thời gian gần đây. Bản thân tôi thấy hãnh diện khi được góp một phần nhỏ vào phong trào vinh danh những món ăn quê nhà. Một trong những thần tượng của tôi chính là Nữ đầu bếp hàng đầu châu Á Cho Hee-sook”, cô chia sẻ.
Tuy nhiên, Mina nhận thấy không ít đầu bếp nữ ở Hàn Quốc gặp khó khăn bởi vấn đề phân biệt giới tính.
“Tôi chưa từng làm việc trong một nhà hàng Hàn Quốc, nhưng tôi quá quen với những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt, nhất là tại xứ sở kim chi. Ngành ẩm thực ở nhiều quốc gia thường phân biệt giới tính và thứ bậc. Ngoài Cho Hee-sook và Roh Young-hee, hiếm có nữ đầu bếp nào xuất hiện tại các nhà hàng nổi tiếng ở Hàn Quốc”, cô nói.
“Nhưng tôi có biết một số ngôi sao trẻ rất tài năng. Tôi thực sự hy vọng những cô gái ấy được hỗ trợ và phát triển hơn bao giờ hết”, Mina khẳng định.
Trái lại, đầu bếp Lauren Kim không cảm thấy nữ giới bị nhìn nhận thiếu khách quan trong ngành ẩm thực. Cô sinh ra ở Hàn Quốc, được nuôi dạy bởi mẹ và bà ngoại, cả hai đều là chủ hoặc quản lý nhà hàng. Năm 2007, Lauren chuyển tới Bangkok (Thái Lan). 8 năm sau, cô mở nhà hàng đầu tiên có tên Banjoo BBQ tại đó.
Do chỉ thăm Hàn Quốc đôi lần trong năm, Lauren cảm thấy “không đủ thông tin” để nhận định về môi trường làm việc của các đầu bếp nữ tại quê nhà. Cô cũng chưa từng đối mặt với nạn phân biệt giới tính trong lĩnh vực làm việc.
“Trong suốt thời thơ ấu và những tháng năm thiếu niên, thế giới của tôi gắn liền với ẩm thực. Tôi lớn lên trong một gia đình nữ quyền. Bà ngoại và mẹ đều là những người lãnh đạo trong công việc kinh doanh nhà hàng. Không ít bạn bè của họ sở hữu quán ăn hoặc cà phê ở Hàn Quốc và Thái Lan. Có thể thấy, xung quanh tôi là những người phụ nữ quyền lực trong ngành bếp”, cô chia sẻ.