Plating là gì?
Plating được hiểu là kỹ thuật sắp xếp, bài trí món ăn trên một chiếc đĩa. Nhiều chuyên gia ẩm thực ngày nay cho rằng, từ plating có thể được rút ra từ “plate – đĩa”. Không dừng lại ở việc trình bày món ăn sao cho gọn gàng hay sạch sẽ, plating đòi hỏi kỹ thuật phức tạp của Đầu bếp để có được “tác phẩm nghệ thuật ẩm thực” đúng nghĩa.
Chính vì vậy, plating phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác nhau như độ tương phản màu sắc trong món ăn, chiều sâu, bố cục… nhằm tạo ra “bức tranh ẩm thực” hài hòa. Và tất nhiên, thời gian để bài trí tuyệt đối không được ảnh hưởng đến chất lượng món ăn là nhiệm vụ của các Đầu bếp.
Plating – Xu hướng ẩm thực hiện đại
Như một quy luật tất yếu tự nhiên, khi qua giai đoạn ăn đủ no, con người sẽ hướng đến việc thưởng thức thẩm mỹ của ẩm thực. Đây cũng là lý do nhiều trường phái nghiên cứu bài trí thức ăn ra đời, đáp ứng nhu cầu thực khách ngày nay, trong đó có plating.
Plating là tiêu chuẩn quan trọng với những người làm công việc Đầu bếp, đặc biệt là Đầu bếp chuyên nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, ở một góc nhìn nhất định thì người plating giỏi cũng là người nấu ăn giỏi, bởi họ hiểu rõ từng nguyên liệu, kết cấu thực phẩm để “biến hóa” chúng một cách hoàn hảo nhất.
4 yếu tố giúp Plating hoàn hảo
Nền tảng bài trí của Đầu bếp
Muốn Plating giỏi, Đầu bếp cần có tư duy bài trí sáng tạo và dựa trên quy chuẩn nhất định, giúp các nguyên liệu kết hợp một cách hài hòa, hấp dẫn nhất. Các chuyên gia cho rằng, Plating không dừng lại ở việc giúp món ăn thêm đẹp mà còn là “chiến thuật” của Đầu bếp để thực khách dùng bữa ngon miệng hơn.
Có một quy tắc đồng hồ rất nổi tiếng trong Plating, theo đó người Đầu bếp sẽ chia vị trí trên đĩa bằng hướng đi của kim đồng hồ và sắp xếp món theo nguyên tắc: Thực phẩm giàu đạm, protein sẽ nằm giữa hướng 3 và 9 giờ, tinh bột nằm giữa hướng 9 và 12 giờ, rau thì 12 đến 3 giờ.
Đĩa làm “khung tranh”
Món ăn sẽ được trang trí trên đĩa và tùy thuộc vào từng món ăn mà người Đầu bếp sẽ quyết định chiếc đĩa như thế nào phù hợp: Hình dạng, kích thước, chất liệu… Bên cạnh đó, màu sắc hay hoa văn trên đĩa cũng rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến thẩm mỹ của món ăn. Hiện nay, các nhà hàng lớn thường chuộng loại đĩa trắng cổ điển với ít hoa văn để giúp Đầu bếp tự do sáng tạo mà không bị gò bó, hơn nữa chúng cũng mang lại cảm giác trang nhã hơn.
Màu sắc, kết cấu nguyên vật liệu
Màu sắc và kết cấu các nguyên liệu lẫn đĩa trình bày đều ảnh hưởng lớn trong Plating. Tùy vào góc nhìn nghệ thuật và ý đồ của mình mà Đầu bếp sẽ chọn giải pháp bài trí phù hợp. Nhiều Đầu bếp đã chọn hành chiên giòn cứng cáp để đi cùng khoai tây nghiền, phô mai xanh thì đi cùng steak bò; hay món ăn sáng lên đĩa màu tối hay ngược lại… theo sự tương phản nhằm gây ấn tượng.
Nước xốt
Không chỉ gia tăng thêm hương vị cho món ăn, Đầu bếp còn dùng nước xốt như màu vẽ trong Plating. Rất nhiều loại hoa văn đã được Đầu bếp tạo nên nhờ nước xốt phù hợp.
Plating đích thị là nghệ thuật giúp Đầu bếp tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt, hấp dẫn, để mỗi lần thưởng thức là một lần trải nghiệm bữa ăn trọn vẹn. Nếu đang theo đuổi con đường Bếp chuyên nghiệp, đừng quên trau dồi cho mình kỹ thuật Plating nhé.