Có một lời khuyên trong công việc tôi nhận được trước đây, một lời khuyên mà tôi thấy khá tâm đắc và luôn ghi nhớ kĩ trong đầu. Nó rất đơn giản: “ Đừng bao giờ nhận một ví trí mà bản thân mình chưa thực sự sẵn sàng cho nó! “ Càng làm việc thì tôi càng thấy những câu chữ ấy thêm phần đúng.
Trong hệ thống bếp thì mình có nhiều vị trí, mà mỗi bếp thì lại có kiểu sắp xếp khác nhau, tôi nghĩ mình không cần phải nói thêm về điều này. Một đầu bếp sẽ bắt đầu từ vị trí thấp nhất, qua những năm tháng tích luỹ kinh nghiệm để đi dần lên. Công đoạn này có thể dài hoặc ngắn hơn tuỳ vào khả năng của mỗi người; vậy nhưng một điều chắc chắn là ngắn cỡ nào thì nó cũng phải tính bằng nhiều năm, dài có khi đến cả chục năm hơn. Trong quá trình làm việc thì mình sẽ tự nhận thấy được khả năng của mình phát triển, kinh nghiệm của mình dày lên, mình biết nhiều thứ hơn. Đến một ngày mình sẽ cảm thấy cái vị trí này quá thấp so với khả năng của mình, rằng mình phải ở trên kia mới phải. Nhưng chớ có nhầm lẫn nó với sự ngạo mạn, mình phải tự đặt ra cho bản thân những giới hạn, tự kiểm điểm bản thân một cách gắt gao trước khi tự tặng thưởng cho mình bất kì một danh hiệu gì mới. Thước đo khả năng phải được đặt tương đối với môi trường xung quanh, mình đang ở đâu so với những đồng nghiệp nơi này nơi kia, đang làm ở vị trí này vị trí nọ. Ai cũng muốn sớm được đứng bếp, được nấu, được đặt cái tôi vào đồ ăn; ai cũng muốn sớm được nhúng tay vào những công việc to lớn; nhưng trước hết mình phải rất chắc chắn với bản thân rằng mình đã đủ lông cánh để đứng vào đó chưa?
Lòng tham và tính bốc đồng sẽ dẫn mình đi vào những con đường xấu xí của sự lừa dối và nịnh bợ. Mình sẽ tìm những cách khác để bù đắp cho sự thiếu khả năng của bản thân. Mình chỉ có kinh nghiệm ở đây đôi ba tháng, mình lại ghi vào thành cả năm; mình chỉ mới làm phụ bếp ở đây, mình lại ghi vào là tổ trưởng; mình vào bếp, thay vì tập trung vào công việc chính, mình tập trung vào việc làm sao cho bếp trưởng vui, quý mình để ưu ái cho mình v.v… Tất cả chỉ nhằm đem lại cho mình một cái danh ảo, một vị trí quá cao so với thực lực của bản thân. Vậy nhưng luôn nhớ rằng trong bếp không có chỗ cho sự lừa dối. Mình một là biết nấu món đó, hai là mình không biết; mình một là sơ chế được loại nguyên liệu này, hai là mình không làm được. Nói ra là mình làm được sẽ không tự nhiên khiến cho mình có thể “lánh nạn” qua được việc đó mà không có một ai trông thấy thực lực mình thế nào. Và gian dối là cách nhanh nhất để mình mất sạch uy tín với đồng nghiệp. Rồi sang ngày mai, mình làm cao thật đấy, nhưng lời nói của mình sẽ không có chút trọng lượng nào cả. Làm sếp thì cái nhục nhất là nhân viên không coi mình ra gì, chúng nó sẽ xì xào sau lưng: “ Ôi thằng này nó chỉ xạo l*n thôi chứ thực ra nó có biết nấu mẹ gì đâu! “, hay là “ Tưởng kinh nghiệm nhiều năm thế nào chứ cái món cơ bản này làm cũng không xong, tào lao! ” Đầu bếp rất thẳng tính, nói đúng là nó nghe, chửi nó thậm tệ mà đúng thì nó cũng phải cúi mặt dạ vâng; nhưng tào lao thì chỉ thành chủ đề để chúng nó đi kể xấu về mình. Làm bếp thì thằng nào cũng muốn tìm thầy để học, thằng nào cũng lặn lội khắp nơi để tìm những nhà hàng nấu đồ ăn ngon, có đầu bếp tay nghề cao để xin; vậy nên chúng nó chắc chắn sẽ không mất thời gian để làm dưới một thằng không ra gì. Mà mình làm thì mình cũng biết là dân bếp không có hiền, coi chừng chúng nó đập cho có ngày.
Trong bếp thì những người đứng đầu luôn được người dưới tôn sùng như chúa trời, nhưng đó là vị họ thực sự giỏi, chứ không phải chỉ vì họ đứng ở đó.
Nguồn: Bếp Đơn
ĐỌC THÊM CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
[insert_posts cats=”361″ num=”7″ display_style=”list-small”]