Hiện nay, nghề đầu bếp không thiếu việc làm, thu nhập lại tốt nếu không muốn nói là tốt nhất trong các dịch vụ du lịch.
Đứng bếp kiếm ngàn đô
Anh Huỳnh Châu Hồng Vân, bếp phó của khách sạn 5 sao Nikko Saigon, cho biết anh đang rất hài lòng với công việc hiện tại. Hàng ngày, anh bận rộn với việc quản lý, lên thực đơn… cho nhà hàng Âu, Hoa, các món Á, các bếp tiệc… của khách sạn. Mỗi năm, anh đi nước ngoài ba tuần lễ để hướng dẫn các nhà hàng trong chuỗi nấu món Việt cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm trong nghề từ bạn bè quốc tế. Dù anh vẫn dành thời gian làm việc ở Nikko nhưng việc thường xuyên nhận được những lời mời đi dạy nấu bếp ở các trường nghề hay được săn đón tuyển dụng đã khiến cho tâm trạng làm nghề của anh thêm phần vui vẻ.
Người quản lý một khách sạn cao cấp ở TPHCM cho biết mức lương tối thiểu cho vị trí bếp trưởng cỡ 4.000 đô la Mỹ/tháng, cao nhất là 6.000 đô la Mỹ/tháng, chưa bao gồm những khoản phúc lợi khác. Còn thu nhập của bếp phó thông thường bằng hơn một nửa thu nhập của bếp trưởng. Nếu những người này là người nước ngoài thì doanh nghiệp còn phải trả thêm các khoản phí cho chỗ ở, việc đi lại, thậm chí hỗ trợ một số chi phí cho người thân của họ nữa. Với nhân viên phụ bếp, tổng thu nhập mỗi người vào khoảng 12-15 triệu đồng/tháng, chưa tính các khoản phúc lợi khác.
Đầu bếp ở những nhà hàng bên ngoài cũng có thu nhập cao không kém. Những người tay nghề cao còn có nhiều sự lựa chọn khác như đi dạy, đi làm các show ẩm thực, hoặc ra nước ngoài làm việc cho các nhà hàng nấu món Việt… Bà Bùi Thị Sương, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Ẩm thực Việt Nam, cho biết: “Đầu bếp có tay nghề, đặc biệt là người giỏi món Việt, đang được săn đón. Có những người mỗi năm ra nước ngoài làm việc khoảng vài ba tháng để lên thực đơn, huấn luyện nhân viên cho nhà hàng ở đó rồi về Việt Nam nhưng vẫn nhận lương cứng hàng tháng từ 2.000 – 2.500 đô la Mỹ”.
Hiện mặt bằng thu nhập của đầu bếp đã cao hơn so với vài năm trước, nhu cầu tuyển dụng cũng nhiều nên các khách sạn trong nước, khách sạn có vốn nhà nước đang phải chạy đua với những chuỗi nhà hàng độc lập và khách sạn quốc tế trong việc chi trả để thuê người. Một số khách sạn cho khâu bếp phụ trách luôn khâu nhập nguyên vật liệu để tạo điều kiện tăng thu nhập cho nhân viên, có nơi áp dụng chính sách mỗi tháng thưởng thêm một tháng lương nhằm giữ chân người lao động. “Chúng tôi không thể ghi thẳng tổng thu nhập của đầu bếp trên hợp đồng lao động như các khách sạn quốc tế nhưng phải tìm cách để thu nhập thực tế bằng với mức của thị trường thì mới có người làm”, tổng giám đốc của một khách sạn có vốn nhà nước nói.
Việc không thiếu, chỉ thiếu ngoại ngữ
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho biết cùng với những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, hàng loạt trung tâm du lịch như Phú Quốc đang phát triển rất mạnh mẽ khiến nhu cầu tìm người nấu nướng trong các nhà hàng, khách sạn tăng cao. Tình hình càng căng thẳng trong những mùa cưới, mùa lễ hội.
Theo bà Khánh, sinh viên học nghề bếp ra trường là chắc chắn có việc làm. Có những chuỗi resort còn chuẩn bị đầu tư để thành lập trường đào tạo đầu bếp hầu mong có thể giải quyết vấn đề nguồn nhân lực từ đó.
Nhiều doanh nghiệp cũng đánh giá cao tay nghề của các đầu bếp Việt Nam. Nhu cầu lớn của thị trường cùng với sự chăm chỉ và ham học hỏi khiến kỹ năng của các đầu bếp phát triển nhanh chóng. Nếu như trước đây, các khách sạn resort 5 sao tiêu chuẩn quốc tế gần như không có bóng dáng của bếp trưởng người Việt thì nay nhiều người Việt đã đảm nhận vị trí này. Ở nhiều vị trí then chốt khác, đầu bếp Việt cũng đang thay thế dần các đồng nghiệp người nước ngoài. Trong nhiều cuộc thi nấu ăn quốc tế, tay nghề của họ cũng được khẳng định qua các giải thưởng.
Tuy nhiên, khi đề cập đến khả năng cạnh tranh quốc tế và cập nhật những kiến thức mới thì khoảng cách hội nhập và phát triển của lao động Việt Nam bị rào cản về ngoại ngữ. Ông Lâm Quang Huy, Phó tổng giám đốc khách sạn 5 sao Grand ở TPHCM, cho biết từ mấy năm nay, việc tuyển đầu bếp đã khó, tuyển những người có ngoại ngữ lại càng khó hơn. Nhiều đầu bếp người Việt tuy giỏi nghề nhưng khó phát huy do rào cản ngoại ngữ, bên cạnh việc thiếu một số kiến thức khác. “Có những chương trình tiệc quốc tế lớn nhưng đầu bếp giỏi chuyên môn lại không thể tham gia vì thiếu ngoại ngữ”, ông Huy nói.
Còn theo bà Bùi Thị Sương, các kỹ năng về nghề bếp đang thay đổi nhanh chóng; số lượng nguyên liệu, gia vị chế biến ngày càng nhiều; những xu hướng ẩm thực cùng sự giao lưu giữa các nền ẩm thực cũng diễn ra nhiều và nhanh hơn, đòi hỏi các đầu bếp phải học hỏi hàng ngày. Thế nhưng điểm yếu nhất của sinh viên là ngoại ngữ khiến họ chưa tiếp cận được các kiến thức mới. “Có những sinh viên sau khi ra trường chỉ 3-4 năm là thành đầu bếp cứng cáp nhưng vì ngoại ngữ yếu nên doanh nghiệp không mặn tuyển dụng họ. Vì với rào cản này, doanh nghiệp không thể đưa nhân viên tham gia các khóa đào tạo nâng cao ở nước ngoài…”.
Ở một góc độ khác, bà Khánh của Hiệp hội Du lịch TPHCM cho rằng các đầu bếp Việt đang phải chịu thiệt thòi. Trong đó, thiệt thòi lớn nhất là không có trường đại học dạy nghề bếp, không được xếp ngạch, bậc để xem xét mức lương, thưởng phù hợp, bị hạn chế điều kiện mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Vì thế, để nghề bếp Việt Nam hội nhập thì không chỉ giới đầu bếp mà nhiều người, nhiều nơi phải cùng vận động. Bà Khánh cho biết sắp tới, Hiệp hội Du lịch TPHCM sẽ có sự phối hợp với các đơn vị liên quan soạn thảo tiêu chuẩn xếp bậc cho nghề đầu bếp (bao gồm cả cấp chuyên gia) để xin phép cơ quan chức năng công nhận, nhằm tạo điều kiện phát triển nghề này.
Mười tám năm trước, chàng trai trẻ Huỳnh Châu Hồng Vân chưa biết nấu nướng là gì. Anh vào bếp bằng công việc đơn giản nhất là phụ bếp rồi học hỏi để từ từ trở thành người đứng nấu, người quản ca rồi thành bếp phó của một khách sạn chuẩn quốc tế như ngày nay. Mỗi vị trí “ngốn” mất của anh vài ba năm. Thế nhưng anh cho rằng đó là thời gian cần thiết để rèn luyện tay nghề. Hiện tại, dù quy định tuyển đầu bếp của các khách sạn đã thay đổi, đòi hỏi nhân viên phải có bản lề kiến thức thể hiện qua bằng cấp, qua trình độ ngoại ngữ, nhưng cũng khó có thể rút ngắn thời gian. “Làm bếp là một công việc đòi hỏi lòng đam mê, sự cẩn thận, tính kiên nhẫn và tinh thần học hỏi. Sẽ ít có cơ hội để đốt giai đoạn nhưng nếu nghiêm túc đầu tư thì nghề sẽ không phụ người”, anh Vân nói.
Theo TBKTSG