Có nhiều người thích nấu ăn, nhưng không phải ai cũng trở thành đầu bếp giỏi. Việc chăm chỉ thực hành sẽ giúp người học nấu ăn rèn luyện tay nghề.
Các đầu bếp hay những người làm trong bếp luôn phấn đấu vươn lên mỗi ngày, chỉ cần một phút ngưng cố gắng, họ sẽ tuột lại phía sau. Chúng ta thường nói tỉ mỉ và chú trọng chi tiết chính là chìa khóa dẫn đến sự hoàn hảo: từ hương vị, cách nấu, đến cách trình bày và cuối cùng, là cách món ăn được dọn lên cho thực khách.
Dưới đây là những nguyên tắc “vàng” giúp nhà hàng và đội bếp của mình chinh phục thành công:
1. Chỉ nấu những nguyên liệu tươi ngon
Thành công trong bếp bắt đầu từ các mối quan hệ và sự thấu hiểu dành cho nhà cung cấp, nông dân, tiểu thương, nhà sản xuất pho mát, và cho chính các đầu bếp. Chất lượng thành phẩm khởi đầu từ nguồn nguyên liệu thượng hạng cũng như sự đồng cảm với vai trò của người bán và nhà sản xuất trong suốt quá trình.
2. Tôn trọng nguyên vật liệu
Mỗi đầu bếp và thợ bếp giỏi không chỉ hiểu được tầm quan trọng của việc mua đúng loại nguyên liệu, mà còn thể hiện sự tôn trọng dành cho chúng. Bảo quản đúng cách, xoay vòng hợp lí trong quá trình sử dụng, xử lí cẩn thận và biết cách bổ sung những gia vị làm nổi bật kết cấu của nguyên liệu trong khi chế biến cũng góp phần quan trọng cho một sự nghiệp thành công.
3. Cách dùng dao
Dường như hầu hết các đầu bếp đều đồng ý rằng kĩ năng dùng dao là hết sức quan trọng. Biết cách chọn dụng cụ, thực hiện đúng thao tác, chú ý tình trạng từng loại dao để đảm bảo chúng luôn sắc bén khi dùng đến, cũng như nắm vững kĩ thuật cắt thái chuẩn xác. Hơn nữa, một đầu bếp giỏi nên hiểu rõ một lát cắt chính xác ảnh hưởng như thế nào đến cách họ nấu nướng, nêm nếm và giá trị nhận được từ món ăn qua cách trình bày. Việc cắt thái chuẩn xác luôn có tầm quan trọng nhất định.
Xem thêm: 5 bí quyết sử dụng dao sẽ biến bạn thành đầu bếp chuyên nghiệp tức thì
4. Nền tảng kiến thức vững vàng
Không có con đường tắt nào dẫn đến thành công. Dù cách tiếp cận nghệ thuật nấu ăn có nhiều thay đổi nhưng vẫn có một số nguyên tắc đã được chứng minh bởi thời gian và cho kết quả trên cả tuyệt vời. Cố gắng thay đổi những nguyên tắc này chỉ đem lại những tác phẩm nhàm chán và kém chuẩn. Đầu bếp giỏi LUÔN LUÔN phải tôn trọng và thực hành những quy tắc này.
5. Xây dựng chuẩn gia vị tham khảo cho riêng mình
Những đầu bếp có tính tỉ mẩn thường tìm cách phát triển nhiều tầng hương vị cho món ăn. Điều này đòi hỏi sự tận tâm nghiêm túc trong việc xây dựng khẩu vị cá nhân, thấu hiểu loại nguyên liệu và sự thay đổi của chúng khi có sự can thiệp của khí hậu, thổ nhưỡng và cách trồng, cũng như tự xây dựng nguyên tắc nêm nếm nhằm đạt được hương vị mong muốn.
6. Tiến bộ từng chút một nhưng ổn định
Ngoài hương vị, hơn lúc nào hết, khả năng của người đầu bếp kiên trì phấn đấu để đạt được thành công đóng một vai trò quan trọng không kém. Điều này đòi hỏi sự thông hiểu sâu sắc đối với nguyên liệu và cách điều chỉnh giữa vô vàn lựa chọn. Thực khách mong đợi nhiều từ món ăn, danh tiếng của nhà hàng phụ thuộc nhiều vào sự kiên trì này.
7. Hoàn thiện kĩ thuật nấu nướng và gia giảm hương vị
Dù đa phần công việc nấu nướng trong nhà hàng được trau chuốt dần qua từng khâu sơ chế, nhưng chính sự am hiểu về hương vị để điều chỉnh kịp thời của từng phụ bếp mới thật sự là mục tiêu của toàn đội bếp. Đây là một công việc không đơn giản và đòi hỏi tinh thần nghiêm túc đối với công việc có bản chất căng thẳng như nghề bếp.
8. Cách trình bày
Người ta ăn bằng mắt, nên những đầu bếp thực sự cầu toàn thường đầu tư khoảng thời gian hợp lí chăm chút cho phần trình bày món ăn dù cho khách có phải đợi lâu một tí.
Giai đoạn ra món không nên quá cập rập dù cho nhà hàng có đông khách như thế nào. Mục tiêu hàng đầu là tạo ra những đĩa thức ăn khiến thực khách phải trầm trồ trước khi thực sự thưởng thức.
9. Món nóng ra món nóng, món lạnh ra món lạnh
Một nguyên tắc thường dùng trong các nhà hàng là: đảm bảo món ăn phải được trình bày đúng yêu cầu – món lạnh thì dùng lạnh, từ đĩa đựng đến khay cũng phải lạnh. Tương tự với món nóng.
10. Để lại dấu ấn cá nhân trên món ăn
Những đầu bếp không chấp nhận sự nhàm chán thường không ngần ngại để lại dấu ấn cá nhân trên từng món ăn. Nhiều khi đó chỉ là hành động nhìn ngắm thật kĩ đĩa thức ăn trước khi được mang ra khỏi bếp, một động tác lau nhẹ phần sốt thừa trên mép đĩa hay điểm thêm vài nhánh hành ngò. Chính những nét riêng đó nói hộ tâm tư người đầu bếp, rằng “Món ăn đó đem lại cho tôi sự tự hào – và đó chính là quyết tâm vươn tới thành công của tôi.”
11. Lan truyền sự nỗ lực
Trong bước cuối cùng của nỗ lực đến thành công, mong muốn chăm chút từng chi tiết dù nhỏ, còn phải trông chờ vào cách thể hiện của đội ngũ nhân viên phục vụ. Người phục vụ, cũng như các đầu bếp đã làm ra món ăn, cần phải biết tự hào về món ăn mà họ mang ra. Họ là người khéo léo đặt đĩa thức ăn lên bàn, chỉnh chu và cẩn trọng cho khách, dành thời gian giới thiệu từng món một cùng với thành phần chính; cảm thấy thỏa mãn với những món tuyệt hảo nóng hổi từ bếp khi chúng được dọn lên bàn và tự hào giới thiệu:
“Và đây… tuyệt phẩm của nhà hàng chúng tôi, món ăn mà đội bếp của chúng tôi đã dành trọn tâm huyết, ngay từ khi nguồn nguyên liệu còn ở chỗ những nhà nông tận tụy. Xin mời quý vị thưởng thức…”.
Phượng Trâm dịch
(Theo Finedininglovers.com)