“Làm sao để kinh doanh nhà hàng hiệu quả?” luôn là câu hỏi được rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực ẩm thực quan tâm. Học Viện Ẩm Thực xin chia sẻ 7 Bí quyết cơ bản để kinh doanh nhà hàng hiệu quả dành cho người mới bắt đầu. Đây cũng chính là những kinh nghiệm được anh Đỗ Thành Trung – chủ 2 thương hiệu nhà hàng Góc Hà Nội và Sành Quán đúc kết được sau gần 5 năm dấn thân vào lĩnh vực này.
Nên ký hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh càng lâu càng tốt
Tâm lý người mới kinh doanh thường ngại thuê lâu vì sợ sẽ mất tiền đặt cọc nếu việc kinh doanh thất bại. Tuy nhiên, nếu đã quyết định kinh doanh thì bạn nên ký hợp đồng thuê địa điểm càng lâu càng tốt. Và trong hợp đồng, nên có thêm điều khoản “được đổi sang mặt hàng kinh doanh khác”. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng thay đổi mặt hàng kinh doanh hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư khác.
Nên chọn thực đơn hay thực khách?
Kinh doanh nhà hàng muốn thu được lợi nhuận cần phải đáp ứng được nhu cầu của thực khách, như vậy thì thực khách sẽ đóng vai trò quan trọng hơn thực đơn. Nhưng làm sao để xây dựng một thực đơn đáp ứng được nhu cầu mọi thực khách là cả một vấn đề. “Hôm nay khách bảo không thích ăn nước gà hầm, chỉ thích nước bò hầm, ngày mai lại bảo sao không cho thêm hải sản… mỗi khách một ý, nếu chủ nhà hàng cố gắng đáp ứng mọi nhu cầu thì ắt sẽ loạn. Do đó, việc nghe khách hàng chỉ nên nghe theo số đông, nếu nhiều khách phản ánh thì cần phải xem xét thay đổi cho phù hợp.”
Định giá món ăn như thế nào?
Doanh thu của nhà hàng chủ yếu đến từ việc bán các món ăn. Vậy định giá món ăn như thế nào để đủ chi trả các chi phí nguyên liệu, nhân công, thuê mặt bằng,… và có được lợi nhuận là điều mà các chủ nhà hàng cần quan tâm. Việc định giá món ăn phụ thuộc vào chi phí cấu thành nên món ăn đó: với món Âu thì chi phí không được quá 35% và món Á thì ở khoảng 45 – 50%. Ví dụ như chi phí nguyên liệu để chế biến nên món beefsteak là 100.000 đồng thì giá bán món này ít nhất phải là 285.000 đồng. Hay với một nồi lẩu hải sản với chi phí nguyên liệu là 120.000 đồng thì nhà hàng phải bán với giá 240.000 đồng.
Nên tự quản lý nhà hàng hay thuê ngoài?
Nếu đã quyết định đầu tư kinh doanh nhà hàng thì ban đầu bạn nên tự quản lý để có được những trải nghiệm thực tế, bởi chính những trải nghiệm này sẽ giúp việc kinh doanh thành công. Khi bản thân người chủ đã nắm được cách thức quản lý hiệu quả hoạt động của nhà hàng, muốn mở rộng hoạt động kinh doanh thì mới nên tính đến chuyện thuê ngoài và phải đảm bảo rằng người quản lý đó quản lý theo quy trình chuẩn của nhà hàng mình chứ không phải là “bê nguyên xi” từ một mô hình khác không phù hợp.
Nên theo học các khóa học quản lý nhà hàng
Người chuẩn bị kinh doanh nhà hàng nên tham gia các khóa học về quản lý trước khi bắt tay vào việc hiện thực hóa ý tưởng của mình. Bởi nếu không được trang bị những kiến thức quản lý cần thiết thì khi gặp vấn đề, sự cố, bạn sẽ tỏ ra lúng túng, giải quyết sự việc theo cảm tính. Và điều này sẽ gây tổn thất nhiều mặt
Chiến lược Marketing hiệu quả nhất là truyền miệng
Với đặc thù loại hình kinh doanh ẩm thực, truyền miệng chính là hình thức Marketing hiệu quả nhất, 1 đồn 10, 10 đồn 100, 100 đồn 1000… Cứ thế, nhà hàng của bạn sẽ được nhiều khách hàng biết đến. Do đó, làm sao để phục vụ thực khách bằng những món ăn ngon nhất, chất lượng tốt nhất để khiến họ vô tình trở thành một “nhân viên quảng cáo” cho nhà hàng mình là điều mà các chủ nhà hàng phải quan tâm.
Giải quyết phàn nàn của khách như thế nào?
Kinh doanh nhà hàng là nghề “làm dâu trăm họ” nên khó tránh khỏi những phàn nàn của khách hàng. Khi khách phàn nàn, với tư cách là một chủ nhà hàng, bạn cần phải tỏ thái độ cầu thị, nếu lỗi thuộc về nhà hàng thì cần phải trực tiếp chịu trách nhiệm nhận lỗi với khách, làm khách hài lòng bằng việc đổi món khác, miễn phí bữa ăn, tặng voucher…
Bên cạnh đó, việc kinh doanh nhà hàng muốn hiệu quả và thành công không chỉ cần dựa trên 7 bí quyết này mà còn phải có “cái tâm” của người chủ nhà hàng – “Hãy đem đến cho thực khách những gì tốt nhất có thể và đừng chạy theo giá cả.”